28/9/10

Đau đớn "cụ rùa" Hồ Gươm!

Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thiết nghĩ các đơn vị hữu quan cần đề xuất các giải pháp, đưa ra ý tưởng bảo vệ Rùa Hồ Gươm.
>>Phát hiện lưỡi câu chùm thứ hai trên lưng cụ Rùa
>>Cụ rùa Hồ Gươm mắc lưỡi câu chùm
>>Một người suýt bị cụ rùa "vật chết"
>>Rùa mai mềm ở Hồ Gươm chết do già yếu?
>>Cứ để tình trạng này, cụ Rùa có thể sớm "ra đi"
>>Cụ rùa liên tục nổi do sức khỏe có vấn đề?
Trong khi cả nước đang tưng bừng các hoạt động chào đón 1.000 năm Thăng Long Hà Nội thì đầu tháng 9 này, một tin không vui đã đến với người dân Thủ đô và những người yêu mến Hà Nội: Cụ Rùa Hồ Gươm đang phải sống qua ngày với một lưỡi câu chùm mắc ở lưng cùng nhiều vết thương khác.

Theo phân tích của những người có trách nhiệm, cụ Rùa Hồ Gươm bị thương là do mắc phải lưỡi câu của một thanh niên câu trộm cá. Chỉ nghe thông tin đó thôi cũng đủ thấy bất bình. Rùa Hồ Gươm là biểu tượng tâm linh của cả nước. Đây là cá thể rùa quý không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới và hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguồn gen kế tục.

Rùa Hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết về sự tích hồ Hoàn Kiếm, truyền thuyết về việc vua Lê Lợi trả lại gươm báu cho Rùa Vàng sau khi đánh thắng giặc Minh xâm lược. Hồ Gươm và Rùa Hồ Gươm trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô.

Vậy mà một số người người dân Thủ đô thiếu lương tâm, những kẻ hám lợi chỉ vì mấy đồng bạc bán được từ số lượng cá và rùa câu được lại là thủ phạm tấn công Rùa Hồ Gươm.

Điều đáng nói, theo Giáo sư Hà Đình Đức, người được mệnh danh là “Nhà rùa học”, đây không phải lần đầu tiên Rùa Hồ Gươm bị thương.

Sự việc Rùa Hồ Gươm bị tấn công bởi những kẻ câu cá trộm đã diễn ra nhiều năm nay. Trên lưng và cổ Rùa còn chi chít những vết thương khác do những kẻ vô ý thức gây ra.

Từ những năm 1997-1998, sau đó liên tiếp vào những năm đầu của thế kỷ 21, Giáo sư Hà Đình Đức đều phát hiện thấy Rùa Hồ Gươm bị thương, lần nào ông cũng gửi thư lên Thủ tướng phản ánh sự việc đau lòng này và đề xuất những biện pháp giải quyết. Những lần đó, Thủ tướng đều có ngay biện pháp xử lý.

Qua xem xét những vết thương đều cho thấy, Rùa Hồ Gươm bị thương do mắc phải các lưỡi câu chùm hoặc va phải các vật sắc nhọn dưới lòng hồ. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, những kẻ câu trộm cá và rùa ở Hồ Gươm vẫn thường xuyên hoạt động, nhiều kẻ còn kiếm lợi bằng hành vi rất đáng lên án này.

Những kẻ xấu này đã quên mất giá trị lịch sử, văn hoá và tâm linh vô cùng lớn lao của Rùa Hồ Gươm. Một hành vi xấu diễn ra nhiều năm, từng bị báo chí phê phán nhưng vẫn không hề bị xử lý. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Hoàng Anh Thắng, Phó Ban Quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Ban Quản lý được giao nhiệm vụ giữ trật tự nhưng lại không có thẩm quyền xử lý. Bản thân ông đã nhiều lần bắt gặp nạn câu trộm ở Hồ Gươm, nhưng vì ông mặc thường phục nên khi nhắc nhở còn bị kẻ xấu mắng chửi.

Ông Thắng cũng cho biết, mỗi ngày, đội bảo vệ của Ban Quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm có 3 ca, 4 kíp phối hợp với lực lượng cảnh sát trật tự quận Hoàn Kiếm chia thành 10 điểm tuần tra xung quanh hồ, nhưng do khu vực quanh hồ quá đông người, lực lượng lại quá mỏng nên không thể phát hiện kẻ xấu trà trộn trong những người đi dạo quanh hồ.

“Lực lượng quá mỏng” là lý do muôn thủa, lý do dễ biện minh nhất. Đành rằng Ban Quản lý không có thẩm quyền xử lý, nhưng nếu là những người có trách nhiệm thì Ban Quản lý phải đề xuất những giải pháp xử lý. Nếu làm được điều này, chắc chắn số lần Rùa Hồ Gươm bị thương sẽ giảm đi rất nhiều.

Bên cạnh đó,, các cơ quan chức năng cũng chưa xử lý nghiêm khắc những kẻ gây hại đến Rùa Hồ Gươm nên mới để xảy ra tình trạng này.

Theo bài báo “Chuyện về Rùa Hồ Gươm- không phải ai cũng biết” của tác giả Đào Thanh Huyền đăng trên trang web của Trường Đại học Hà Nội, cụ Rùa trong tủ kính mà khách du lịch vẫn được chiêm ngưỡng lâu nay tại đền Ngọc Sơn, cũng là một cụ Rùa đã chết do bị một người câu cá đâm bằng xà beng trong lúc người này đang bủa lưới câu cá trên hồ vào năm 1968.

Một sự việc vô cùng đáng tiếc! Như vậy trong lịch sử đã rất nhiều lần Rùa Hồ Gươm bị thương tích do những kẻ câu cá, câu rùa quanh Hồ Gươm gây ra. Tuy vậy, hơn 40 năm nay, sự việc này vẫn tiếp tục tái diễn.

Rùa Hồ Gươm gắn liền với lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Rùa là di sản vô giá gắn với những truyền thuyết Lịch sử - Văn hoá linh thiêng từ mấy ngàn năm nay. Tuy nhiên, hiện nay rùa Hồ Gươm vẫn chưa được liệt kê trong Nghị định 32 - Nghị định Bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam mà chỉ có tên trong Sách Đỏ - tức là Rùa chỉ có ý nghĩa về bảo tồn, chứ không có ý nghĩa trong thực thi pháp luật. Nếu nằm trong Nghị định 32, chúng ta sẽ có nhiều biện pháp bảo vệ Rùa Hồ Gươm và cá thể rùa khác ở Việt Nam.

Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thiết nghĩ các đơn vị hữu quan cần đề xuất các giải pháp, đưa ra ý tưởng bảo vệ Rùa Hồ Gươm. Mặt khác, việc cấm tuyệt đối hành vi câu cá, câu rùa ở khu vực Hồ Gươm là điều cần làm ngay. Nếu bắt được những kẻ lén lút câu trộm, cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm khắc để có tác dụng răn đe với những đối tượng khác.

Rùa Hồ Gươm đang bên bờ tuyệt chủng, nếu chúng ta không gấp rút có biện pháp bảo vệ thì “biểu tượng linh thiêng” này của Thủ đô sẽ biến mất trong tương lai gần. Điều đó sẽ là đáng tiếc lắm thay!
Disqus Comments