29/1/10

Hà Nam hốt hoảng vì có "mãng xà" ăn thịt

Từ xưa đến nay, trăn vốn ở trên đỉnh núi nhưng bây giờ lại xuống đồng bằng, gây sợ hãi cho dân.
>>Vẻ đẹp chết người của loài rắn
Những dãy núi đá trùng điệp tại hai xã Thanh Hải và Thanh Nghị thuộc huyện Thanh Liêm (Hà Nam) thực sự là vương quốc của loài trăn.

Từ bao đời nay, trăn vẫn ẩn mình trong những hang đá hoang vu trên đỉnh núi. Chẳng ai biết có bao nhiêu trăn nhưng nhìn vào số lượng dê của người dân hằng năm bị trăn ăn thịt ước lượng số trăn trên núi là... nhiều vô kể.

ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Một thời phong trào nuôi dê tại hai xã Thanh Hải và Thanh Nghị phát triển mạnh nhưng nay hầu hết đã bỏ nghề. Có hai nguyên nhân khiến người dân quay lưng lại với dê. Thứ nhất, đây là loại vật khó nuôi, thứ hai là dê bị trăn bắt hằng năm quá nhiều, dê đẻ đến đâu trăn ăn thịt đến đó.

Những chú dê biến mất

Ông Nguyễn Văn Kiên, thôn Bồng Lạng Hạ, xã Thanh Nghị là một trong những hộ dân nuôi dê nhiều và lâu năm của huyện Thanh Liêm. Có được "địa lợi" là dựa lưng vào những dãy núi đá bạt ngàn. Thời hoàng kim, đàn dê nhà ông Kiên có đến hàng trăm con. Nhà ông Kiên toà ngang dãy dọc và ông khẳng định có được như vậy tất cả đều từ dê mà ra.

Lên núi tìm trăn

Lên núi tìm trăn.

Thế nhưng có một thực tế, diện tích các núi đá tại Thanh Liêm đang bị các nhà máy xi măng "nuốt" dần. Dê lại là loài vật "khó tính khó nết", bệnh tật liên miên, nếu không có kinh nghiệm rất dễ trắng tay chỉ sau một mùa dịch bệnh.

Một yếu tố nữa là muốn nuôi dê ở đây, chủ đàn dê phải biết chấp nhận "sống chung" với trăn. Mỗi năm, trong tổng số đàn dê phải mất đi một số lượng đáng kể do bị trăn ăn thịt.

Vẫn biết đàn dê hao hụt hằng năm do trăn "xơi" luôn nằm trong sự tính toán của các chủ dê, tuy nhiên cũng có lúc "đen", hàng chục con dê con "mất tích" chỉ trong một hai tháng khiến người dân không kịp trở tay.

Với số lượng dê mất quá lớn không ít hộ dân "nản" và đành bỏ con vật giàu kinh tế này. Luôn giám sát đàn dê khắt khe nhưng có năm nhà ông Kiên cũng mất đến hàng chục con.

Bà Minh, vợ ông Kiên kể: "Năm trước đàn dê đẻ được 20 con, thế nhưng đàn dê con chỉ còn lại một nửa, còn lại bị trăn "chén" hết. Tính cả mất trộm, cả số dê bị trăn ăn, năm ngoái nhà tôi mất đi 5 - 6 tạ dê. Con số đó ai chả nản".


Lên núi tìm trăn

Chúng tôi đến Thanh Nghị sau những ngày rét cắt da cắt thịt. 10h sáng, tiếng người đã í ới gọi nhau khắp núi, ông Kiên cho biết, đây là thời điểm thích hợp để đi kiểm tra đàn dê. Mưa lạnh, dê sẽ nấp trong những hang đá không đi ăn và trăn cũng vậy.

Loài trăn chỉ hoạt động khi trời khô ráo. Các hộ nuôi dê ở đây đều thả rông dê, cho ăn ngủ trên núi. Chỉ khi nào cần bán thịt mới huy động lực lượng lên lúi lùa đàn dê về.

Chúng tôi xin đi cùng ông Kiên lên núi đá. Bà Minh vợ ông Kiên tỏ ra ái ngại: "Nguy hiểm lắm đấy, núi đá dốc lại trơn, chẳng có lối đi đâu. Bám theo các vách đá mà trèo, dân ở đây quen rồi chứ các chú tôi sợ...".

Trước quyết tâm của chúng tôi vợ chồng ông Kiên cũng chiều lòng. Tìm cho chúng tôi những đôi dép để thay thế cho "đôi giầy phố", cả đoàn lục đục theo ông Kiên lên núi. Dãy núi, nơi đàn dê nhà ông Kiên kiếm ăn không cao lắm. Chỉ có điều lên được đến đỉnh núi thật không đơn giản.

Chẳng có lấy một con đường, leo hết vách đá này lại đến vách đá khác. Người leo lên trước kéo người sau. Núi đá ít cây cỏ, thỉnh thoảng lại gặp những chiếc hang lớn sâu hun hút. Ông Kiên bảo, đó là những "ngôi nhà" lý tưởng của loài trăn.

Trên đường đi chúng tôi bắt gặp những chủ dê khác. Họ hỏi thăm nhau đôi điều về đàn dê rồi lại lầm lũi đi tìm và phát ra những âm thanh là những ký hiệu riêng biệt để đàn dê nhà nhận ra mà lên tiếng. Trên núi đá không chỉ có thế giới của dê và trăn. Có nhiều người cũng tranh thủ lúc trời nắng đẹp để lên núi tìm cây sộp.

Anh Nguyễn Thế Vinh, một người đi săn cây sộp cho biết: “Đây là loại cây cảnh có thế rất đẹp, giống cây si nhưng quý và hiếm hơn vì chỉ sống trên núi đá. Có những cây giá bạc triệu nhưng ở chỗ hiểm nên cánh săn cây cũng chỉ biết nhìn trong nuối tiếc".

Nhóm của Vinh hôm đó may mắn tìm thấy một cây ở vách đá thấp, buộc dây vào vách đá và đu mình leo lên. Trong chốc lát, cây sộp đã được Vinh cùng những người bạn cậy đá mang xuống.

Vinh hồ hởi: "Thế là có hơn triệu bạc rồi các anh ạ". Nhóm của Vinh chào chúng tôi và vội vàng xuống núi để mang cây sộp đi bán. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình leo núi...
Theo Bee.net
Disqus Comments