>>Chàng trai 36 tuổi yêu bà già 80 như thế nào ?
>> Mối tình lạ của chàng trai 36 tuổi và bà già 80
>> Yêu cụ bà 80, chàng 36 tuổi có cần “sinh lý”?
Giàng A Linh và Hạng Thị Sông. Ảnh: Phạm Công Hoan
Đó là tác giả Phạm Công Hoan, từng công tác ở Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Lào Cai, người đầu tiên viết về chuyện tình "độc nhất vô nhị" giữa người đàn ông 36 tuổi với một cụ bà đáng tuổi bà mình, đăng trên tạp chí Tư vấn & Tiêu dùng (Thời báo Kinh tế) số 4, ngày 20/2/2009.
Trước dư luận nóng và trái chiều về chuyện tình "đũa lệch" này qua loạt phóng sự mới của Phạm Ngọc Dương đăng tải trên VTC News, tác giả Phạm Công Hoan khẳng định với VietNamNet: "Với tư cách là người phát hiện ra câu chuyện này, tôi đã vô cùng áy náy sau khi viết về chuyện tình đó”.
Và tác giả Phạm Công Hoan đã chủ động cung cấp một số thông tin đằng sau chuyện tình "độc nhất vô nhị" này...
"Chàng" từng 2 đời vợ
Sau lần đó, tôi đã trở lại Sa Pa gặp nhiều nhân chứng để tìm hiểu và lí giải cho những thắc mắc của mình. Về anh Giàng A Linh, tôi có thể kết luận chủ quan dựa trên những thông tin cá nhân của Linh như sau:
Thứ nhất, theo tôi, Giàng A Linh có thể có vấn đề về tâm thần. Khi tôi gặp anh trai của Linh - Giàng A Sùng, Sùng cho biết Linh không phải là người có tinh thần bình thường như bao người khác.
Năm Linh 16 tuổi, gia đình đã xây dựng gia đình cho Linh với một người con gái cùng thôn bản, nhưng chỉ được 4 tháng thì người vợ đầu của Linh đã không thể chung sống cùng Linh mà bỏ về nhà mẹ đẻ với lí do: Linh không bình thường như người khác nên chị ta không chịu được!?
Một năm sau, gia đình lại lấy vợ cho Linh. Người vợ thứ 2 này ở xã Bản Khoang, nhưng cuộc hôn nhân này cũng chẳng dài lâu. Chưa được một năm chung sống với nhau, cô vợ thứ 2 cũng khăn gói rời Linh vì lí do: Linh suốt ngày rượu chè bên tha, tâm thần bất ổn, không chịu làm ăn như bao người thanh niên khác. Linh uống rượu triền miên, ngồi lặng lẽ một mình không rằng không nói...
Đối với văn hóa người Mông, việc vợ bỏ chồng sau khi đã được cưới hỏi là điều tối kỵ, rất hiếm xảy ra. Thậm chí, nếu người phụ nữ tự ý bỏ về sẽ phải bồi thường tiền cưới hỏi cho nhà trai, nhưng ở đây gia đình Linh không yêu cầu bồi thường. Như thế có thể thấy, Linh hẳn có "vấn đề" gì đó nên gia đình mới chấp nhận cho con dâu bỏ về mà không yêu cầu bồi thường.
Thứ hai, Linh là người ham mê rượu chè, lại thường xuyên bỏ nhà đi lang thang không chịu làm ăn. Người mẹ già của Linh nhiều lần khóc lóc vì đứa con trai không bình thường, lười lao động của mình. Bà đã nhiều lần chửi mắng và đuổi Linh ra khỏi nhà.
Khi tôi gặp Linh ở Sa Pa, Linh ngồi một mình trong quán rượu từ sáng tới tối. Anh ta uống cả lít rượu mà không cần ăn, thi thoảng lại cười nói một mình, ngay cả những người Mông cũng không hiểu anh ta đang nói gì.
Tôi hỏi chuyện Linh, anh ta chỉ nhìn, rồi lại uống, uống xong hỏi xin tiền. Bà Thuỷ (chủ quán) nói: nó say suốt đấy, mà nó cũng chẳng nói chuyện với ai đâu, chỉ uống và nói lảm nhảm một mình thôi, chú có hỏi cũng vô ích!
Bà Hạng Thị Sông là người có thâm niên bán hàng ở thị trấn Sa Pa gần 20 năm, cũng gần như sống lang thang ở cái thị trấn này suốt những năm tháng đó, rất hiếm khi bà về nhà mình ở thôn Sử Pán, xã Tả Van (dù từ Sa Pa về nhà chỉ cách 8km).
Những người bán hàng rong ở Sa Pa cho biết, bà Sông là một trong những người Mông có thu nhập cao nhất trong số những người bán hàng rong ở Sa Pa, vì bà Sông vừa bán hàng vừa xin tiền của khách. Với bộ mặt già nua, sức “đeo bám” bền bỉ - bà luôn khiến du khách phải móc hầu bao. Khi gặp tôi, bà Sông cũng mời tôi mua hàng, không bán được thì bà quay sang xin tiền…
Theo TS. Trần Hữu Sơn - nhà nghiên cứu dân tộc học nhiều năm nghiên cứu về người Mông: "Lối sống của người Mông ở Sa Pa đã chịu tác động của lối sống du lịch hiện đại, khiến người dân tộc thiểu số nơi đây khá Âu hoá”.
Kiếm được tiền, lại sống ở một thị trấn có nhiều phong cách sống, cách quan niệm thoáng do tốc độ phát triển du lịch thuộc loại cao ở Việt Nam, thu hút đông đảo du khách từ nhiều nước trên thế giới - có thể những điều này đã tạo cho bà Sông một phong cách, một quan niệm hiện đại vượt qua những quy chuẩn về giá trị chuẩn mực truyền thống của tộc người, nên bà đã đến với người tình trẻ tuổi mà không ngại ngùng trước sự chê cười của thiên hạ.
"Nàng" mang tiền cho "chàng" uống rượu
Khi bà Sông và Linh gặp nhau, họ đã nhanh chóng đến với nhau, vì Linh luôn chìm đắm trong men say còn bà Sông hàng ngày mang tiền về cho Linh uống rượu đều đặn.
Từ đó, theo tôi được biết, Linh đã phải gắn theo bà Sông để có tiền uống rượu. Anh ta lang thang trên các quán rượu ở chợ Sa Pa từ sáng đến đêm. Khi nào bà Sông không có mặt ở thị trấn Sa Pa là anh ta lê la xin uống rượu chịu để rồi bà Sông mang tiền về trả sau.
Có lần bà Sông không chịu đưa tiền cho Linh, anh ta dọa sẽ không yêu bà nữa. Bà Sông sợ mất Linh, đã phải mua nhẫn vàng, đồng hồ cho Linh, nhưng khi không gặp bà Sông, không có tiền uống rượu, Linh bán tuốt tuột để vào quán rượu!
Bà Thủy, một chủ quán rượu mà Linh và bà Sông thường xuyên ngồi uống cho biết: Khi bà Sông không có tiền, anh ta kiên quyết không gặp bà Sông. Chỉ khi nào bà Sông có tiền cho Linh uống rượu thì anh ta mới chịu cùng bà Sông vào nhà nghỉ qua đêm.
Tôi đã hỏi bà Sông, nếu không có tiền cho Linh uống rượu thì Linh có yêu bà nữa không? Bà trả lời: Không có tiền uống rượu thì Linh nó không yêu mình nữa đâu, mình phải cho nó tiền uống rượu đấy!
Bà Mai, một người bán hàng cơm ở chợ Sa Pa cho chúng tôi biết, Linh chỉ dựa vào bà Sông già để kiếm ăn, chứ yêu đương gì, ngồi cả ngày uống rượu rồi đợi bà Sông về trả tiền chứ không có chuyện nó yêu bà Sông. Còn bà Sông yêu Linh như thế nào thì các chú cứ phải xem lại, có thể là bà già rồi sinh ra tính nết lẩn thẩn cũng nên. Ở chợ này ai chẳng biết nhưng nói là yêu nhau thì hơi bất bình thường.
Như vậy, từ góc độ chủ quan cá nhân tôi, có thể kết luận Linh là một người không bình thường, có vấn đề về tâm thần. Anh ta đang lợi dụng bà Sông để có cái ăn cái uống, chứ không có một cái gọi là “câu chuyện tình thật sự” như tác giả Ngọc Dương đã nêu trong loạt bài vừa đăng.
Phạm Công Hoan(Theo Vietnamnet)