22/11/10

“Luật máu” trong thế giới tội phạm cá độ bóng đá

Nhiều khi chỉ qua một tin nhắn, một cuộc điện thoại các tay cá độ bóng đá có thể “xuống” hàng trăm triệu cho một trận bóng. Việc chung chi sau đó chủ yếu dựa vào “uy tín” của người chơi. Tuy nhiên thứ “uy tín” của những tay cờ bạc thì cũng... vô cùng. Vì thế, để đảm bảo mọi “giao dịch” đều được thực hiện, các trùm tổ chức cá độ bóng đá phải dựa vào đội quân đòi nợ thuê. Trong thế giới này phần lớn các vụ “thanh lý hợp đồng” đều được đảm bảo bằng vũ lực.

“Đẳng cấp” ông trùm
Theo Hải "trố" một chủ mạng cá độ bóng đá, để đứng được cái "nghề" mà gã đã "ngự" non 3 năm nay không phải là dễ, phải là kẻ máu mặt với nguyên tắc "nhân đạo là tự sát", vì phải sống trong "bụi rậm" (mặt trái của pháp luật) nên độ rủi ro là vô kể. Cách đây hơn năm, chính gã suýt bị rơi vào cửa tử khi trao bảng bóng giá trị cả trăm ngàn USD cho một đàn em tên Sơn là con của một đại gia buôn đất cỡ bự ở làng Đống Cao (Bắc Ninh). Sau khi giao được hơn ngày, gã vào mạng tổng kiểm tra, Hải "trố" bất ngờ "tá hoả tam tinh" khi thấy gã đàn em sau khi ôm bảng về và ra sức "xả" bóng hết veo trên 2 tỷ (trị giá bảng). Ngay lập tức, gã cùng hơn chục đàn em, đủ cả lựu đạn, phóng lợn (dao bầu), tuýt sắt... dàn quân trên 3 taxi tới nhà Sơn. Cũng may cho đời gã, vì là con trai độc của "đại gia" nên bố mẹ Sơn đã thay con đứng ra nhận nợ và Hải yêu cầu viết giấy vay nợ, biến tiền ảo thành tiền thật. Đúng tuần sau gã thu hồi lại được tiền, không thiếu một xu.
Tuy nhiên, đối với dân "làm mạng", chuyện may mắn như vậy là rất hiếm, việc bị khách sau khi được giao bảng về rồi "xả bóng" là chuyện cơm bữa (tức là được thì nhà mạng trả, thua thì khách... bùng, trốn biệt tăm). Chính vì lý do này mà thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xẩy ra các vụ trọng án, chém giết, thanh toán lẫn nhau, điển hình nhất là vụ án xảy ra gần đây nhất tại đường Láng.

Nói tiếp về "nghề" của mình, Hải "trố" thao thao kể và lý giải: Trong giới cá độ bóng đá, nhà cái bao gồm: Mạng tổng, master, công ty... Mạng tổng là cách xưng danh của những chủ cá độ lớn. Dưới mạng tổng là các master và công ty. Thông thường, "mạng tổng" được điều hành bởi những thành viên trong các đường dây góp vốn lại với nhau. Tuy nhiên, cũng có những mạng tổng chỉ do một đối tượng đứng lên thâu tóm, điều hành. Để làm được điều này, đối tượng trên phải vừa có lực (tiền vốn cũng như mối quan hệ với các đối tượng giang hồ cộm cán trong xã hội) cũng như với đường dây cá độ bóng đá ở nước ngoài.

Sau khi xin được mạng do các đường dây cá độ bóng đá quốc tế cấp bao gồm: Trang web, username, password cùng lượng tiền ảo nhất định, các mạng tổng sẽ chia nhỏ số lượng tiền ảo này cho các master - đối tượng làm đại lý cấp một - ở những vùng khác nhau để tiện giao dịch, tổ chức cá độ. Các master sau đó lại tiếp tục phân nhỏ cho các đường dây tổ chức cá độ (đã đặt cọc số tiền tương ứng với tiền ảo để giữ mạng) cấp dưới khác. Việc chia nhỏ này cứ thế phân cấp đến khi số tiền ảo không thể phân nhỏ hơn được. Khi phân nhỏ đường mạng, số tiền "com" (viết tắt của chữ commission - tức tiền hoa hồng) cũng như tiền ăn phần trăm (do mạng tổng chi trả) theo đó cũng sẽ được phân ra.

Chủ các mạng nhỏ ngoài tiền hoa hồng cố định ra còn ăn thêm khoản tiền chênh trong quá trình ra độ cho khách. Đây cũng chính là một trong những căn nguyên khiến số lượng dân "làm bóng" - có mạng cá độ gia tăng nhanh về số lượng như hiện nay.

Số tiền ảo đặt cược trên mạng thường do nhà cái quy định. Thông thường 1 USD trên mạng cá độ bóng đá tương đương với 25.000 VNĐ. Tuy nhiên, cũng có khi là 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng. Ibet888 và Sbobet là những trang web mà các đường dây tổ chức cá độ bóng đá hiện nay tại Việt Nam thường truy cập và sử dụng nhiều nhất. Trang web này có xuất xứ từ nước ngoài, đồng thời do các đối tượng tổ chức cá độ quốc tế điều hành. Đối với những mạng nhỏ, các master trong nước thường nhìn mặt gửi vàng. Nếu là chỗ tin cậy có khả năng chi trả thì sẽ nhận được khoản tiền ảo hàng trăm ngàn, thậm chí là triệu USD ảo, còn nếu không uy tín, quy mô giao dịch cá cược không lớn thì lượng tiền ảo mà các master chia cho chỉ dao động ở mức vài ngàn USD.

Mặt khác, có nhiều master còn thu nạp thêm các thành viên chung vốn để thầu đường dây cá độ của mình. Sau mỗi trận đấu những nhà thầu này sẽ thu hoặc chi một khoản tiền tỷ lệ thuận với các master. Song, lượng tiền mà master thu - chi luôn cao gấp nhiều lần so với các nhà thầu. Đặc biệt, mỗi khi muốn thay đổi username, password cũng như tên địa chỉ truy cập, các nhà thầu đều phải thông qua các master. Đối với những mạng nhỏ, lượng tiền giao dịch ít, các master thường thu gộp lại từng đợt rồi sau đó thông qua các hình thức khác nhau như: tài khoản, giao tiền gián tiếp qua người thứ 3... để chuyển giao cho mạng tổng.
Trò chơi may rủi ấy, các nhà làm mạng như Hải "trố" không trách đươc rủi ro bị "bùng", vì lẽ đó hiện nay ở Hà Nội nhiều chủ bóng đã thu phục đàn em giang hồ khét tiếng ở các địa phương, chỉ làm một công việc duy nhất là đi đòi nợ, tổ chức hoạt động theo kiểu xã hội đen, manh động, tinh vi.

Giá đòi nợ thuê
Khác với những băng nhóm đâm thuê chém mướn, giết người diệt khẩu hay thanh toán đối thủ trong làm ăn... những băng nhóm đòi nợ thuê luôn có các nguyên tắc hoạt động nhất định. Tuy nhiên, những nguyên tắc không lề luật này thường chỉ được các băng nhóm đòi nợ “chuyên nghiệp” tôn trọng để tránh sự ồn ào không đáng có khi xảy ra chuyện. Nhưng, đòi nợ “chuyên nghiệp” tôn trọng cứ tôn trọng, còn đám du đãng lập băng kiếm số má kiêm thêm nghề đòi nợ thuê thì chúng rất manh động.

Gặp một giang hồ "rửa tay gác kiếm" nhà ở L.Đ, hắn bảo: Giá của mỗi phi vụ đòi nợ thuê tiền bóng ảo thường từ 20 đến 30% trên tổng số nợ mà chủ nợ đòi được. Đối với những con nợ khó đòi, tỉ lệ này sẽ được nâng lên kịch khung là 50%. Thông thường, chủ bóng muốn nhờ giang hồ chuyên nghiệp thực hiện phi vụ của mình, ngoài thông tin, nhận dạng, nhà cửa cụ thể thì thường phải tạm ứng trước đôi triệu gọi là tiền "đập đá, tâm sự" sau đó mới cử vệ tinh của mình đi thám thính con nợ sắp đòi thuộc dạng nào, có số má gì không, sau đó mới đưa ra tỉ lệ ăn chia với chủ nợ.

Trước tiên đám đòi nợ thuê sẽ "nắn gân" hay còn gọi là "đo máu" thử xem con nợ thuộc dạng gì, độ gan lì đến đâu. Nếu là dân "mềm" có thể “nắn” được, thì chỉ cần vài cái tin nhắn, một cuộc điện thoại xưng danh, hay một vài tay giang hồ nào đó có số má ở khu vực con nợ đang cư trú thì mọi chuyện sẽ kết thúc, con nợ chắc chắn sẽ cầm cố, chạy vạy hết mọi nơi miễn sao có đủ tiền nộp cho bọn chúng để được yên thân. Nếu là con nợ thuộc dạng "chất rắn", bọn chúng sẽ bố trí cho vài tên đàn em theo dõi người thân trong gia đình của con nợ, như: Vợ chồng, con cái, cha mẹ hay anh chị em... Nhưng, điều đặc biệt là khi theo dõi, bọn chúng thường cố ý cho người bị theo dõi phát hiện ra chuyện... mình đang bị theo dõi. Chúng làm điều này là bởi cũng chỉ mong chuyện đòi nợ diễn ra êm thấm, càng ít người biết càng tốt, và nếu hăm dọa có thể xong việc thì đó chính là chuyện mà dân giang hồ đều hy vọng "cầu được, ước thấy". Và khi cách thức này không được, bọn chúng mới gây án.

Trên thực tế, rất hiếm khi băng nhóm giang hồ chuyên nghiệp gây án khi đòi nợ thuê bởi những lý do vừa kể trên. Ngoài ra, giữa những băng nhóm giang hồ cộm cán, chúng còn liên kết với nhau để tạo thành mạng lưới đòi nợ khép kín trên nguyên tắc "không xâm phạm đến lãnh địa của nhau".

Khác với dân giang hồ gốc, bọn du đãng đòi nợ mướn thì chuyện gì cũng dám làm. Thậm chí số tiền đòi nợ rất nhỏ, chúng vẫn sẵn sàng lao vào chém con nợ miễn sao moi được tiền.

Dĩ nhiên, thế giới của dân đòi nợ thuê là một thế giới khác. Tay giang hồ gác kiếm này còn cho biết, có những vụ con nợ không còn khả năng chi trả, giang hồ thứ thiệt sẽ lẳng lặng rút lui vì biết cho dù có hăm dọa, có đâm chém cũng không thể khiến con nợ xì ra tiền. Nhưng với đám côn đồ đòi nợ thuê thì khác. Hậu quả của những trận kích động mà những đối tượng đòi nợ thuê gây ra là chuyện không ai dám tiên đoán trước.

Và những kẻ này vẫn luôn có đất sống và phát triển như một tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen", gây ra hàng loạt các hành vi phạm tội cực kỳ manh động và tàn ác, giết người nhằm mục đích thanh toán, trả thù, bịt đầu mối; đâm thuê, chém thuê, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cá độ bóng đá quốc tế...
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Disqus Comments