Hầu hết các tuyến đường ở TP. Huế đều bị lũ nhấn chìm, người dân phải sử dụng thuyền thay xe. |
Tại huyện Tuyên Hóa, nước sông Gianh đã vượt báo động III gây ngập lụt nặng 9 xã dọc theo triền sông của huyện. Ông Nguyễn Tri Phương - Trưởng phòng NN&PTNN huyện Tuyên Hoá - cho biết, đến 16 giờ chiều ngày 3 -10, toàn huyện đã có 970 nhà bị ngập sâu từ 0,5 - 1m, nặng nhất là các xã Châu Hoá (300 nhà), Văn Hoá (200 nhà)… Tại huyện Minh Hoá, các xã vùng trũng như Tân Hoá, Thượng Hoá đã bị nước lũ cô lập.
Đặc biệt, 3 bản đồng bào Rục và Đồn biên phòng 585 Cà Xèn đã bị cô lập từ đêm 2 -10, do con đường độc đạo dẫn vào bản gần 4km, nước đã ngập sâu. Đến 10 giờ đêm hôm qua, Quảng Bình có một người chết là ông Trần Văn Anh, sinh 1964 (xã Xuân Trạch, Bố Trạch), người mất tích là ông Đoàn Văn Toản ở Quảng Trạch.
Trong lúc cả tỉnh đang chống chọi với mưa lũ, vào lúc 11 giờ trưa 3 -10, một trận lốc xoáy mạnh đã làm gãy đổ nhiều cột điện và cây xanh ở TP.Đồng Hới. Lực lượng chức năng của thành phố đã có mặt kịp thời để khắc phục hậu quả, khôi phục việc cấp điện cho khu vực. Cả tỉnh có hơn 4.000 nhà bị ngập, hơn 1.000 hộ dân đã được di dời khỏi vùng nguy hiểm.
Quảng Trị: Lốc quét qua thôn
Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, lũ từ thượng nguồn đổ về đã làm mực nước trên các sông lên rất nhanh. Đến chiều 3-10, mực nước các sông Hiếu, Thạch Hãn, Bến Hải đã vượt báo động II, xấp xỉ báo động III. Mưa lớn liên tục làm hàng nghìn nhà dân ở 13 xã vùng trũng của huyện Hải Lăng bị ngập sâu trong nước từ 1 đến hơn 1,5m. Trong đó ngập nặng nhất là các xã Hải Hoà, Hải Thành, Hải Tân (Hải Lăng) với trên 500 nhà.
Trước đó, lúc 1 giờ 30 ngày 2-10, một cơn lốc xoáy dữ dội quét qua thôn Cang Gián, xã Trung Giang, làm gần 20 nhà dân, một nhà văn hoá thôn và một trường mẫu giáo tốc mái hoàn toàn. Riêng trường mẫu giáo còn bị hư hỏng một số trang thiết bị phục vụ dạy và học. Cơn lốc cũng đã làm gần 1.000 cây lâm nghiệp nhiều năm tuổi của bà con bị gãy đổ. Hiện chính quyền địa phương và người dân đang huy động tối đa nhân lực, vật lực để khắc phục hậu quả.
Thừa Thiên - Huế: Nhà ngập sâu, giao thông tê liệt
Mưa lớn và nước từ thượng nguồn đổ về mạnh khiến TP.Huế và các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang ngập chìm. Hầu hết các tuyến đường tại TP. Huế đều bị ngập sâu từ 0,3- 1m. Tình trạng này khiến giao thông bị tê liệt nghiêm trọng, hàng nghìn phương tiện đã bị chết máy khi lưu thông qua những tuyến đường trên. Toàn thành phố đã có hơn 3.000 hộ dân ở các phường thấp trũng bị nước tràn vào nhà.
Tại huyện Phong Điền, các tuyến Quốc lộ 49B, tỉnh lộ 17, tỉnh lộ 6 đi qua địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương bị ngập từ 0,5m - 1,5m. Hàng nghìn hộ dân trong khu vực đã bị nước lũ tràn vào nhà từ 0,3-0,7m. Chiều tối 2- 10 một trận lốc xoáy tràn qua thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, đã làm 3 nhà sập, tốc mái và nhiều cây xanh bị gãy đổ. Tại huyện Quảng Điền, các xã Quảng An, Quảng Phú, Quảng Phước, Quảng Thành… cũng bị nhấn chìm trong nước lũ… Tuyến Quốc lộ 1A qua địa phận các phường Thủy Dương, Thủy Phương của thị xã Hương Thủy bị nước lũ ngập sâu từ 0,5 - 1m.
Theo thống kê bước đầu, ít nhất đã có hơn 1.000 ha hoa màu chủ yếu là sắn, ngô và rau các loại của người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh bị nước lũ nhấn chìm. Hàng trăm ha ao hồ nuôi trồng thủy sản khác cũng bị nước lũ tấn công, nhiều diện tích bị cuốn trôi.
Lũ tiếp tục lên nhanh
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Tính đến ngày 3 - 10, lượng mưa đo được ở các tỉnh nói trên phổ biến từ 60-100 mm, một số nơi trên 200 mm như Đồng Tâm 315 mm, Tuyên Hóa 262 mm, Bình Điền 216 mm, Huế 276 mm. Lũ các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đang lên nhanh. Dự báo lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục lên.
>>Hà Tĩnh: Bốn người chết, 22 xã bị cô lập vì lũ
>>Lũ hoành hành miền Trung, nguy cơ vỡ đập
Vũ Vân Anh - Phan Phương - Uyên Minh - An Sơn