25/9/10

Cầu Thăng Long : bỏ 97 tỷ đồng đổi lấy 1 cái áo của 'thằng ăn mày'

Từng “miếng vá” cẩu thả có diện tích từ 20 - 40 m2 vừa được thi công vội trên mặt cầu Thăng Long. Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, đó là sự khắc phục tạm thời cho dự án 97 tỷ đồng để chờ vật liệu nhập về rồi chữa tiếp.
>>Chủ đầu tư nói về những vết nứt mặt cầu Thăng Long
>>Vết nứt trên mặt cầu Thăng Long ngày một to
>>Những "cái ao" trên mặt cầu Thăng Long
>>Vẫn quả quyết hỏng mặt cầu Thăng Long là do… thời tiết (?!)
Những miếng vá cẩu thả trên mặt cầu Thăng Long.

Theo nguồn tin riêng, trong đêm qua 24/9, chủ đầu tư và đơn vị thi công mặt cầu Thăng Long đã “âm thầm” cho bóc mặt cầu để sửa chữa. Sáng 25/9, có mặt trên cầu Thăng Long, PV ghi nhận nhiều vị trí bị hư hỏng trên mặt cầu đã được vá lại một cách nham nhở.

Trên cầu, làn đường từ trung tâm Hà Nội đi Nội Bài có 4 miếng vá lớn và nhiều vị trí vá nhỏ. Những vết “rách” trên lớp “áo mới” trị giá 97 tỷ đồng hiển hiện ngay trước mắt người tham gia giao thông. Đáng nói hơn, những hư hỏng cũ vẫn còn lộ ra ngay tại những miếng vá đêm qua, còn lớp bê tông nhựa công nghệ mới SMA cuộn dài thành từng khối vẫn nằm nguyên trên mặt cầu…

Một nhân viên bảo vệ cầu Thăng Long phàn nàn: “Báo chí lên tiếng mãi rồi, người dân cũng bức xúc nhiều rồi, dư luận xã hội mạnh mẽ như thế nhưng tuyến cầu vừa làm mới đã hỏng, người ta cứ lật lên sửa lại bao nhiêu lần vẫn không ra hình hài gì…”

Ngay trưa nay 25/9, trao đổi nhanh với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công - Chánh văn phòng Bộ GTVT (người phát ngôn) cho biết: “Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long là từ chỉ đạo của Bộ GTVT để phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Bộ đã giao cho Ban Quản lý Dự án 2 (Ban 2) và Tổng Cục đường bộ trực tiếp giám sát thực hiện, đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân, việc sửa chữa phải hoàn thành trước ngày 1/10”.

Nói về sự cẩu thả của việc sửa chữa, ông Công cho biết: “Ngay khi chúng tôi thông tin về Bộ GTVT, nhìn những hình ảnh cẩu thả tại hiện trường mặt cầu Thăng Long sau sửa chữa tạm, tôi đã gọi cho Tổng Giám đốc Ban 2 để chấn chỉnh và yêu cầu xử lý ngay”.
Bộ GTVT cho biết, đây là việc sửa chữa tạm thời bằng vật liệu nhựa đường thông thường.

Theo ông Công, phía Ban 2 giải thích: do vật liệu nhập khẩu để sửa chữa mặt cầu Thăng Long tối nay mới về đến Cảng Hải Phòng, khả năng đến tối 26/9 mới có loại vật liệu này để đưa vào thi công. Trong thời gian chờ đợi, Ban 2 buộc phải cho sửa chữa tạm mặt cầu bằng vật liệu nhựa đường thông thường để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông.

Trả lời câu hỏi của PV về việc khi có vật liệu nhập ngoại, những vị trí vừa được “vá tạm” bằng nhựa đường thông thường sẽ tiếp tục được bóc đi để sửa chữa lại, ông Công khẳng định: “Sẽ phải bóc và thi công bằng vật liệu nhập ngoại thì mới đảm bảo yêu cầu chất lượng”.

Gần 100 tỷ đồng cho dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, sau gần 2 tháng thông xe mặt cầu được gọi là mới đã bị hư hỏng. Bộ GTVT xác định nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do vật liệu SMA không dính bám, do thời tiết, do xe cộ…

Dư luận xã hội đang đặt câu hỏi rằng số vốn hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long liệu có bị đổ xuống sông xuống biển? Trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được xem xét như thế nào?

Dưới đây là một số hình ảnh về mặt cầu Thăng Long sau sửa tạm PV ghi lại sáng 25/9:
Chưa có vật liệu nhập ngoại, mặt cầu Thăng Long được cắt miếng và sửa chữa tạm thời bằng nhựa đường thông thường
Nhưng cách sửa chữa này rất vội vàng...
... dẫn đến vô trách nhiệm!?
Những miếng vá nham nhở
Hiện trường bừa bãi sau sửa chữa tạm
Lớp bê tông nhựa SMA cuộn thành từng khối chờ... sửa tiếp
Dư luận xã hội đặt ra câu hỏi: 97 tỷ đồng liệu có vứt xuống sông, xuống biển?
Theo Dân Trí
Disqus Comments