30/6/10

Cục tình báo Anh cũng lên tiếng về gián điệp Nga

Chính quyền Mỹ vừa tuyên bố bắt giữ một nhóm 11 người bị tình nghi là gián điệp của Nga tại nước này. Vụ việc đã gây sốc dư luận Mỹ, song Cục Tình báo Nội địa Anh (MI5) không ngạc nhiên trước thông tin này, bởi theo họ số lượng tình báo Nga đang hoạt động tại Anh nhiều vô kể, được cho là ngang với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi mà gián điệp Nga ở Anh nhiều như châu chấu.
>>Nga tuyên bố Mỹ bắt gián điệp 'vô căn cứ'
Tờ Guardian của Anh dẫn lời trên trang web của MI5: “Hoạt động gián điệp với nước Anh tiếp tục trên nhiều mặt trận. Số lượng sĩ quan tình báo của Nga ở London tương đương với thời kỳ Xô Viết. Anh là một mục tiêu gián điệp được ưu tiên và một số quốc gia đang chủ động tìm kiếm thông tin và hàng hóa nhằm hỗ trợ cho các chương trình về công nghệ, quân sự, chính trị và kinh tế của họ”.
Tòa nhà trụ sở MI5

Theo MI5, trong số những gián điệp nước ngoài đang hoạt động ở Anh, gây nguy hại tới các quyền lợi của nước này ở nhiều mức độ khác nhau, đáng lo ngại nhất là các gián điệp của Nga và Trung Quốc.

Cũng theo MI5, có một điểm khác so với trước đây là gián điệp Nga ngày nay tập trung tìm kiếm các chính sách về năng lượng và công nghệ mới, thay vì các mục tiêu chính trị và quân sự. Các mục tiêu công nghệ bao gồm công nghệ viễn thông, thông tin, di truyền, hàng không, lazer, quang học, điện tử... Vì vậy, đối tượng nhắm đến của hoạt động gián điệp nước ngoài thường là các doanh nghiệp.

Một số quan chức tình báo Anh cho biết trong những năm gần đây, lần đầu tiên kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh MI5 đã xây dựng một lực lượng phản gián chống lại các mạng lưới tình báo của Nga và các nước khác. Mặc dù ưu tiên chính của MI5 vẫn là điều tra và ngăn ngừa các đối tượng khủng bố Hồi giáo cực đoan và Al-Qaeda, song các nhân viên tình báo và phản gián MI5 đã được huấn luyện để chống lại các âm mưu của những nước được cho là có ý đồ với Anh.

Do có trữ lượng về dầu khí lớn, Nga đặc biệt quan tâm tới các chính sách năng lượng không chỉ của Anh mà của các nước phương Tây nói chung. Chính phủ Nga thường sử dụng năng lượng như một quân bài trong chính sách đối ngoại; và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng giữ chức Chủ tịch tập đoàn năng lượng Gazprom của nước này.

Mặc dù Anh không phụ thuộc vào nguồn dầu khí nhập khẩu như một số quốc gia Tây Âu khác, nhưng cả Công đảng trước đây và chính phủ liên minh hiện nay đều đề cao vấn đề phản gián trong chiến lược an ninh quốc gia của Anh. Các đảng này đều nhấn mạnh tới việc Nga và Trung Quốc coi việc kiểm soát nguồn năng lượng là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại.
Cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko đã bị đầu độc chết tại London

Theo các quan chức phản gián nói trên, trong khi nguy cơ đến từ Trung Quốc là những cuộc tấn công qua mạng, thì Nga tìm kiếm thông tin bằng nhiều cách khác nhau, từ phân tích chính trường tới các hệ thống quân sự công nghệ cao của Anh.

Cựu Giám đốc MI5, Stella Rimington, cho biết chiến thuật cài đặt gián điệp dưới vỏ bọc kín kẽ và lâu dài là một chiến thuật Nga đã sử dụng lâu nay. “Đó là chiến thuật giấu mình lâu dài để thu phục lòng tin”, bà Stella nói.

Mới đây Nga đã tỏ ý muốn cải thiện quan hệ song phương với Anh sau vụ cựu điệp viên Nga là Alexander Litvinenko tị nạn ở London và bị đầu độc tại đây vào năm 2006. Ngay sau cái chết của Litvinenko, các nguồn tin an ninh Anh cho rằng thủ phạm của vụ này có một mối liên hệ với chính phủ Nga.
Disqus Comments