Hình ảnh nhếch nhác, mất vệ sinh tái diễn từ 6h đến gần 14h mà không gặp bất cứ sự cản trở nào từ các cơ quan chức năng.
'Làm' 20 con gà trong... một thùng xốp
Phía dưới chân cầu Long Biên, ngay mối nối giữa đường Yên Phụ và đường Trần Nhật Duật của phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội, nhiều hộ đã 'nhảy dù' biến nơi đây thành nhà chứa gà...
Vào vai một người khách cần đặt gà cho cỗ cưới, chúng tôi tiếp cận 'lò mổ' trên lúc 12h. Mặc dù vào giờ nghỉ nhưng việc giết mổ vẫn diễn ra rất nhộn nhịp. Người phụ nữ đứng tuổi tên Hạnh mặc bộ đồ sực lên mùi đặc trưng của... gà sống, đon đả: "Em muốn đặt số lượng khoảng bao nhiêu? Ở đây loại gà nào cũng có. Gà này ngon lắm, toàn gà quê cả. Chẳng giấu gì em, chị phải lấy ở tận Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên lên đấy…".
Theo quan sát, lò mổ này có khoảng 5, 6 người chuyên mổ gà. Ngoài ra, liên tục các 'mối' đến lấy gà nên nơi này khi nào cũng có khoảng 20 người.
Nước dùng để mổ gà được đựng trong các can 10 lít. Theo ông Tùng, một người bán trà đá cạnh đó thì số nước này đều phải mua nên họ dùng rất tiết kiệm. Nước được đổ vào các thùng xốp nhỏ và được tận dụng để làm khoảng 20 con gà với đủ các công đoạn.
Chỉ đến khi thùng nước đen kịt không thể tiếp tục được nữa, những người bán gà mới chịu thay thùng nước mới. Và nước thải không được đổ đi đâu xa mà được 'tưới' ngay vào các bồn hoa ven đường cạnh đó, khiến nhiều người đi qua không khỏi nhăn mũi khó chịu vì cái mùi tanh hôi bốc lên. Gà sau khi được giết mổ, được để xuống nền xi măng cùng lông gà và những loại rác khác.
Chị Bùi Thị Luyến, một nhân viên vệ sinh ở khu vực này, cho biết: "Việc giết mổ gà này diễn ra khá lâu rồi, trách nhiệm của lao công chúng tôi là thu dọn rác nhưng nhiều khi cũng rất khó chịu vì lượng rác thải từ việc mổ gà khá nhiều và rất ô uế".
Theo một người bán gà, ngày thường, lượng gà 'lò' này xuất đi khoảng 200 con. Vào thời điểm cận Tết như hiện nay, lượng gà tiêu thụ tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Theo chân các mối gà, chúng tôi thấy gà được chở tới các chợ lớn, nhỏ khắp địa bàn Hà Nội, như chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Long Biên… và các nhà hàng phục vụ ăn uống.
Quản lý thị trường không hay biết?
Những người dân quanh khu vực khẳng định, lò mổ tồn tại hơn một năm nay. Điều đáng nói, lò mổ này lộ thiên ngay trên vỉa hè một nút giao thông lớn, đoạn giao cắt giữa đường Yên Phụ và đường Trần Nhật Duật, cách đội Quản lý thị trường số 3, Hà Nội khoảng 500 m. Đồng thời, cầu Long Biên cũng là nơi có rất nhiều khách du lịch quốc tế qua lại. Dù đi trên vỉa hè, hay từ trên cầu, đều có thể nhìn thấy toàn bộ quang cảnh 'lò mổ' rất mất vệ sinh.
Trả lời về tính hợp pháp của lò mổ này, ông Nguyễn Đức Thái, Đội phó đội Quản lý thị trường số 3, Hà Nội, cho biết: "Việc giết mổ gia súc, gia cầm trong nội thành đã bị UBND thành phố Hà Nội cấm từ nhiều năm nay, nên chắc chắn không có một nơi nào được cấp giấy phép…".
Tuy nhiên, cũng theo ông Thái, Đội quản lý thị trường số 3 không hề hay biết sự tồn tại của lò mổ này và nếu có thì không thuộc trách nhiệm trực tiếp của đội mà của UBND phường Phúc Xá, nên phải chờ phường Phúc Xá báo lên để phối kết hợp (?).
Sáng nay, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cương Quyết, Phó chủ tịch UBND phường Phúc Xá, cho biết, bây giờ mới biết có điểm giết mổ gà trái phép này.
Hình ảnh mất vệ sinh của 'lò mổ' dưới chân cầu Long Biên:
'Lò mổ' ngày nào cũng 'mở', từ trên cầu Long Biên nhìn xuống rất rõ
Sau khi làm thịt, nhiều con gà bị vứt chung trong đống rác
Có 5, 6 người chuyên 'mổ' gà dưới chân cầu từ 6h đến khoảng 14h hằng ngày
Khi phát hiện bị chụp ảnh, họ che cảnh làm thịt gà bằng một chiếc... bao tải
Có 5, 6 người chuyên 'mổ' gà dưới chân cầu từ 6h đến khoảng 14h hằng ngày
Khi phát hiện bị chụp ảnh, họ che cảnh làm thịt gà bằng một chiếc... bao tải
Có hàng trăm con gà được mổ tại chân cầu Long Biên mỗi ngày
Theo ĐV