Hơn 20 năm làm nghề “tắm xác”, cô bé theo chân cha quẩn quanh những ngôi mộ ngày nào nay đã là người phụ nữ 37 tuổi, cho hay đời mình giờ đã gắn trọn bên những nấm mồ, hài cốt mất rồi!
Chị tên Phạm Thị Bình, nhưng người dân thôn Đại Cầu, xã Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam vẫn thường kêu chị là Bình “hài cốt”. Chị Bình dáng người cao ráo, tóc dài tết gọn. Những nét tuổi xuân con gái vẫn còn lưu lại trên đôi gò má cao, trên gương mặt ưa nhìn...
Chị là gái chưa chồng. Như bao phụ nữ khác, chị cũng khát khao có một người để đầu ấp, tay gối, một gia đình để mà yêu thương chăm sóc. Nhưng, cái nghề của chị “hay ho gì mà họ yêu mình?” - tâm sự của chị Bình.
Một ngày theo chân người 'tắm xác'
Cứ vào dịp cuối năm, “công việc” của chị lại trở nên bận rộn hơn. Theo lệ ở vùng đồng bằng Bắc bộ, người chết 3 năm thì phải cát táng (chôn lần đầu gọi là hung táng). Cuối năm con cháu lại họp nhau sang cát cho người đã khuất. Việc nhiều, sức đàn bà con gái làm một mình không nổi, chị phải gọi thêm anh trai là Phạm Văn Viên ở Đại Từ, Thái Nguyên về giúp.
“Bận quá thì thôi. Nhưng một ngày hai ca là bình thường” - chị thủng thẳng.
Hai anh em chị Bình âm thầm làm việc giữa nghĩa trang.
Vừa ngồi nói chuyện được một lát, hai anh em đã vội vàng chuẩn bị đi làm. Ông Viên đi ủng, mang cuốc, mai, xẻng. Chị Bình mặc quần đi mưa, chân xỏ ủng, vác xẻng theo sau. “Cái nghề này toàn phải làm những lúc mọi người ngủ. Còn những lúc mình ngủ thì mọi người lại thức giấc”. Vừa đi dọc đường mắt ngước về phía mấy ngôi mộ trong nghĩa trang của làng Đại Cầu chị vừa nói: “Hôm nay tất cả có hai ca. Một ở thôn Đại Cầu, một ở thôn Lão Cầu. Mình và anh Viên cuốc xong ngôi này, chiều sẽ có người thôn Lão Cầu qua đón”.
Buổi trưa, nghĩa trang và cánh đồng xung quanh tịnh không một bóng người. Ông Viên cầm cuốc, chị cầm xẻng, lúc lại dùng mai hì hục làm. Trời đông cuối tháng 12 lạnh tê tái, vậy mà mồ hôi chị tuôn ướt cả vạt áo sau lưng. Mệt thì chị lên ngồi tạm chỗ nào, uống ít nước rồi lại tiếp tục. Lâu lâu mới thấy gia chủ (người nhà có ngôi mộ đó) ra ngó công việc, thắp nén tâm nhang, trò chuyện đôi câu rồi về.
“Mộ hôm nay khá sâu, hơn 1,2m nhưng đất xốp, không cứng lắm. Hy vọng tới 3 giờ chiều thì xong” - quệt vội giọt mồ hôi rơi ngang mắt, chị nói - “buổi sáng chỉ cuốc đến cách áo quan khoảng 10cm rồi nghỉ, đêm mới vất vả. Cứ tình hình này thì hôm nay 6-7 giờ tối mới được về nhà”.
Chị Bình và ông Viên đào mộ để tối bốc.
Tôi quyết định xin ngủ cùng với ông Viên để đêm theo hai người ra ngôi mộ sắp được “tắm xác”, mục sở thị cảnh làm việc của chị và chú. “Thích thì chú cứ theo, nhưng nhớ phải mang khẩu trang và nhất là đừng có sợ” - chị Bình bảo.
Rồi chị kể: “Vừa cách đây không lâu, đi bốc mộ ở xã bên, mở nắp áo quan ra, thấy người đã mất vẫn còn nguyên vẹn thịt da, tóc tai mà giật mình. Khuyên người nhà nên chôn cất lại nhưng do ý nguyện của người nhà nên đành gắng gượng mà làm. Xong việc về nhà mệt lả, đầu óc quay cuồng, làm một hơi hết phần ba chai rượu 250ml mà vẫn thấy “choáng”. Nói vậy thôi, chứ tôi quen rồi. Toàn làm phúc cho người ta nên cái đầu thoải mái, nhẹ nhõm chứ chẳng ghê sợ như mọi người nghĩ đâu”.
Có tiếng xe máy ngoài cổng. Mới 23h15, gần 1 tiếng nữa mới tới giờ bốc mộ nhưng gia chủ đã cử người tới đón anh em chị đi. Áo mưa kín mít, mặt đeo khẩu trang, anh Viên chị Bình ngồi lên xe. Hai chiếc xe máy đèn sáng choang, xé màn đêm lạnh giá, lượn ngoằn ngoèo qua con đường đất nhỏ, hai bên cây dại mọc đầy đưa họ tới nghĩa trang thôn Lão Cầu.
Biết là nguy hiểm, độc hại nhưng gần 20 năm nay chị Bình chưa biết
đến đôi găng tay trong việc bốc mộ: “Đeo găng tay vướng lắm,
dễ bỏ quên xương. Mà thiếu là người ta la, mắng rầy rà lắm!”
Đúng 0h5, trong khói hương nghi ngút và tiếng khóc thút thít của người nhà, chị Bình với khẩu trang kín mặt chậm rãi bước xuống ngôi mộ đã lộ áo quan. Hai tay lay mạnh, tấm ván dần bật ra. Ánh sáng đèn pin chiếu thẳng xuống soi rõ một bộ quần áo với những đường nếp uốn lượn. Nước ở lòng đất đã ngấm sâu vào người đã mất, phân hủy phần thịt trở nên đen đặc và cô quánh. Với đôi tay trần, không đi găng, chị nhanh nhẹn mò theo thân hình chiếc áo từng phần xương lên, trao qua cho sạch đất bám vào rồi đặt vào một chiếc chậu nhỏ.
Công việc tiếp theo là rửa bộ xương bằng nước thơm pha sẵn rồi xếp lần lượt vào tiểu sành, cắm một bó hương to giữa đáy huyệt. Ông Viên đứng bên cạnh phụ giúp chị rửa hài cốt. Xong.
Chẳng có thống kê nào về con số chính xác nhưng chị nhẩm tính mỗi năm mình phải làm đến cả trăm ngôi mộ, hết trong làng, ngoài xã rồi lên cả thành phố Phủ Lý, Hà Nội, Hưng Yên... đủ cả! Người ta biết tiếng chị nên có việc là tìm tới ngay.
Chân dung chị Bình 'hài cốt'
Tôi cảm nhận chị có gì đó giống cô Đào trong Mùa lạc của Nguyễn Khải. Thích giấu giữ bản thân, sẵn sàng "bốp chát" với những lời chọc ghẹo, trêu đùa. Bao nhiêu người từng một, hai muốn “tiến tới”, chị gạt phắt, lại còn quát, đuổi người ta.
Niềm an ủi, động viên lớn nhất của chị là cái Hoa (Phạm Thị Hoa) con chị, năm nay đã gần 16. Chị "đi xin người ta đấy chứ cưới treo gì cho mệt". Hoa giống mẹ, dáng cao. Em có giọng nói nhẹ nhàng, thướt tha: “Em chẳng thích mẹ làm cái nghề này đâu. Thật đấy! Suốt ngày mẹ đi đêm về hôm vất vả, cực khổ”.
Chị nói rằng: “Giúp được càng nhiều người cũng chính là
mình tích đức về sau cho con, thế thôi”.
Còn chị thì thủ thỉ: “Muốn nó đi làm gì cũng được chứ không thể theo nghề của mẹ. Mà mẹ có muốn truyền nghề thì con nó cũng chẳng thích nối”. Chị tính sắp tới hướng cho con xin làm công việc gì đó ở mấy nhà máy, khu công nghiệp gần nhà để mẹ con sớm tối còn nương tựa nhau mà sống.
Nhà chị ở mãi cuối xóm, sân nhìn thẳng ra cánh đồng làng rộng mênh mông. Cách đó không xa là nghĩa trang của thôn. Đêm nằm nghe tiếng côn trùng rả rích, lá tre xào xạc nhiều khi đến rợn người.
Ngoài “tắm xác” là công việc chính, chị cũng chẳng ngại khi người ta gọi, nhờ đi vớt xác trên sông. “Mới vừa năm ngoái đây mình đi vớt xác cho một vụ tự vẫn trên sông Đáy. Nạn nhân là phụ nữ đã gần 50. Nghe đâu là vì chuyện ghen tuông. Người vợ uất quá nên quyên sinh. Mất mấy hôm mới tìm thấy xác. Xong xuôi rồi mình lại giúp giữ xác cho các bác sĩ khám nghiệm tử thi” – giọng chị trầm xuống - "rõ khổ, đã chết đi rồi mà vẫn chưa được yên”.
Trong trí nhớ của mình, giữa hàng trăm ca giúp người nhà "tiếp nhận" xác chết trôi sông, chị chẳng thể nguôi “ám ảnh” về xác chết trên sông Cái cách đây đã gần 3 năm. Bữa ấy, nhận được tin, chị vội vã bắt xe đến nơi. Xuống tới khúc sông, thấy xác người ở đó đã trương phồng, căng cứng. Thoáng phút giật mình, chị bắt tay vào sửa sang lại đầu tóc, đưa vào áo quan giúp người nhà nạn nhân.
Lại có ca người ta hiếp dâm cô bé chưa tròn 18 rồi vứt trôi sông. Có ca thì xác trôi mất cánh tay, cái đầu, bàn chân do ngâm dưới nước quá lâu hay cá rỉa...
Vất vả và độc hại từ mùi tử khí bốc lên, mùi xác người thối rữa là thế nhưng trong thâm tâm chị chỉ suy nghĩ một điều: “Giúp được càng nhiều người cũng chính là mình tích đức về sau cho con, thế thôi”.
Nhiều ca thấy người nhà khó khăn, túng thiếu, chị chỉ cầm dăm chục, một trăm lấy lệ. Có ca còn làm miễn phí. Hỏi chị tính bao giờ nghỉ hay chuyển nghề - chị xua tay, cười đùa: “Cái đó thì phải hỏi người ta, nếu họ không tới gọi thì mình lại ở nhà, làm bà nông dân với mấy sào ruộng. Ai thuê mướn thì đi làm. Hẵng cứ thế thôi đã”.
Theo Vietnamnet