3/11/10

Tìm ra lộ trình của Cái chết Đen

Cái chết Đen từng gây nên một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người và giết chết vài chục triệu người thời trung cổ, song mãi tới nay các nhà khoa học mới phát hiện được quá trình lây lan của nó.
Một tranh minh họa cảnh tượng chết chóc của một thành phố tại châu Âu khi bệnh dịch hạch bùng phát thời trung cổ.
Cái chết Đen là tên gọi của bệnh dịch hạch ở châu Á và châu Âu từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18. Dịch bùng phát tới hơn 100 lần tại châu Âu trong giai đoạn này. Đây là một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Giới khoa học cho rằng nó giết chết 75 triệu người trên thế giới, trong đó từ 25 tới 50 triệu người thuộc châu Âu.

Biểu hiện của bệnh là hạch nổi khắp cơ thể. Khi những mạch máu trong các hạch vỡ, máu khô và biến thành những cục màu đen cản trở sự lưu thông máu. Do sự hiện diện của những cục máu đen trên cơ thể nạn nhân mà thời đó người ta gọi dịch bệnh đáng sợ là Cái chết Đen. Hiện tượng chảy máu trong cũng xuất hiện ở các cơ quan nội tạng như gan, phổi và dẫn đến tử vong. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp và dịch đường hô hấp.

Discovery cho biết, từ lâu giới khoa học đã nghi ngờ một loại vi khuẩn có tên Yersinia pestis gây nên Cái chết Đen, song họ vẫn chưa biết bệnh xuất phát từ đâu và lây lan khắp thế giới bằng cách nào. Nhiều giả thuyết được đặt ra, chẳng hạn như vi khuẩn có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Trung Á, sau đó chúng tới châu Âu bằng đường biển nhờ các thuyền buôn, hoặc theo các đoàn thương nhân châu Á sang châu Âu.

Theo AFP, một nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học tới từ Anh, Ireland, Trung Quốc, Đức, Pháp, Madagascar và Mỹ lập bản đồ gene của 17 chủng vi khuẩn Yersinia pestis để tìm ra tổ tiên chung của chúng. Khi tìm ra tổ tiên chung của Yersinia pestis, các nhà khoa học sẽ xác định được nơi xuất phát của bệnh dịch hạch cũng như lộ trình của nó.

Kết quả cho thấy tổ tiên chung của 17 chủng vi khuẩn Yersinia pestis có nguồn gốc từ Trung Quốc.

“Dịch xuất hiện ở Trung Quốc cách đây hơn 2.600 năm. Sau đó nó bắt đầu lan sang Tây Âu rồi châu Phi qua Con đường tơ lụa từ khoảng 600 năm trước. Bệnh sang Mỹ thông qua quần đảo Hawaii trong giai đoạn cuối thế kỷ 19. Nó tới bang California qua các cảng tại thành phố San Francisco và Los Angeles trước khi tiến sâu vào lãnh thổ Mỹ ”, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pháp, một cơ quan tham gia nghiên cứu, tuyên bố.

Vi khuẩn Yersinia pestis tồn tại trên cơ thể nhiều loài động vật thuộc bộ gặm nhấm, trong đó có chuột. Chúng lây lan từ con vật này sang con vật khác nhờ bọ chét. Nếu bọ chét hút máu của một con vật nhiễm vi khuẩn rồi lại hút máu người thì bệnh sẽ lây sang người.

Sự tàn phá khủng khiếp của Cái chết Đen đã dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội châu Âu như sự ra đời của nhiều tôn giáo mới hay sự chuyển đổi về cơ bản về kinh tế và xã hội. Những thay đổi ấy tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc tới tiến trình lịch sử của châu Âu. Các nhà khoa học tính toán rằng châu Âu phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước thời gian đại dịch. Sau này dịch hạch còn nhiều lần bùng phát trở lại tại đây và nó chỉ biến mất vào thế kỷ 19.

Con đường tơ lụa bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Nó có chiều dài khoảng 7.000 km.
Minh Long
Disqus Comments