31/10/10

Bí ẩn lời nguyền ở hang chôn vàng

Đó là một cái hang thần bí, từ khi phát hiện ra chưa một ai đi hết được chiều dài của nó. Đời ông, đời cha truyền lại rằng ở trong đấy đã từng có nhiều người sinh sống, họ lập mộ, giấu vàng, rồi yểm bùa, nên hễ ai xâm phạm vào cái hang đó, đào bới lấy đi những đồ vật bên trong như chén, bát, tiền xu lập tức gặp tai họa.
Lối vào hang bị dây leo bao phủ
Những câu chuyện nửa thực nửa hư cứ âm ỉ nhiều đời của những cư dân ở huyện Bá Thước, Thanh Hoá.

Truyền thuyết về thanh kiếm xanh
Mấy ngày lang thang ở xã Lũng Cao, tôi được nghe người dân kể về một hệ thống hang động tuyệt đẹp được đồng bào Thái phát hiện ở bản Nủa, là bản nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, Thanh Hoá). Tôi loay hoay cả ngày mà chưa tìm được người dẫn đường đi tìm hệ thống hang động này.
Những mảnh gốm cổ trong lòng hang Nủa
Lý do họ đưa ra là cái hang đó rất thiêng và dạo này ít người dám mò vào trong đấy thám hiểm, sau khi có những chuyện không hay đã xảy ra. Tôi không tin lắm vào những sự việc huyền bí như thế. Mặc cho cơn mưa chiều tầm tã khiến con đường lầy lội bùn đất, tôi và cô bạn đồng nghiệp vẫn lần mò vào trong bản Nủa, tìm đến một nhà người quen theo lời giời thiệu của anh bạn thân.

Đón chúng tôi tại ngôi nhà sàn mới dựng ngay mặt tiền con đường vào bản, anh Hoàng chủ nhà khẳng định những câu chuyện về cái hang huyền bí là có thật. Anh chỉ về một ngọn núi nhỏ phía cuối bản, không cao lắm, đứng từ xa nhìn lại như nấm đất mọc sau làng. Theo lời Hoàng, hang động nằm trong lòng quả núi này. Từ khi phát hiện ra chưa một ai đi hết được chiều dài của nó. Đời ông, đời cha truyền lại rằng ở trong đấy đã từng có nhiều người sinh sống, họ lập mộ, giấu vàng, rồi yểm bùa, nên hễ ai xâm phạm vào cái hang đó, đào bới lấy đi những đồ vật ở trong như chén, bát, tiền xu lập tức gặp thảm họa.

Hỏi về sự tích hang Nủa, Hoàng vỗ vai tôi cười bảo: ông cố nội tôi là người lưu giữ rất nhiều câu chuyện xa xưa của người Thái ở đây, để tôi tìm lại những cuốn sách mà cụ đã dày công ghi chép. Theo như các ghi chép của cuốn sách này thì hang Nủa rất thiêng, vì nó gắn với truyền thuyết "xanh kiếm" (Theo cách nói của người Thái) về một thanh kiếm xanh bí ẩn.

Chuyện kể rằng, cái thời điểm người Thái chuyển về Pù Luông sinh sống, lập bản đã lâu lắm rồi, cũng không ai nhớ nổi nữa. Lúc ấy, rừng thiêng nước độc, cuộc sống của họ còn cực kỳ khó khăn, nhiều người còn phải trốn vào trong hang núi tránh thú dữ. Có hai anh em mồ côi nọ, gia cảnh cực kỳ khó khăn, người anh quanh năm đi làm thuê vẫn không đủ nuôi em.

Trong một lần buồn chán người anh bỏ vào trong hang, ngồi khóc cho thân phận mình. Bỗng anh nhặt được một khối sắt xanh biếc, dài, không rõ hình thù gì. Anh lẩm bẩm: Nếu là linh vật thì hãy giúp tôi xây dựng cuộc sống cho gia đình, cho bản làng, tôi nguyện sẽ không làm bất cứ một điều gì xấu xa. Lạ thay, khối sắt bỗng vụt sáng và hóa thành một thanh kiếm xanh biếc, chém sắt như chém bùn, bay xuống rơi vào lòng bàn tay.
Cửa hang Nủa cây cối um tùm do từ lâu không ai dám vào
Từ đó, người anh dùng thanh kiếm đó trừ gian diệt ác, trừ thú giữ, làm cho cuộc sống của người Thái ở bản Nủa ổn định, người dân yên tâm lao động sản xuất. Người em cũng muốn được như thế, nằng nặc đòi mượn anh thanh kiếm. Nhưng người em có tâm địa đen tối, lại có kẻ xấu xúi giục nên đã giết nhiều người vô tội.

Chuyện đến tai anh, người anh đau khổ tìm đến hang Nủa cầu nguyện: Xin linh vật hãy trở về, và hãy diệt trừ những kẻ tàn ác gây họa cho bản làng. Lời cầu xin chưa dứt, thanh kiếm bỗng vọt lên không trung, bay lượn chém chết người em bất nghĩa, rồi như một cơn gió cuốn trở về hang Nủa. Cùng lúc ấy là một trận động đất xảy ra, trời đất rung chuyển và bao nhiêu đất đá đổ xuống chôn vùi cửa hang cùng người anh tội nghiệp bên trong. Phải rất lâu sau nữa, người ta mới tìm được lối đi khác xuống hang, và cây kiếm chỉ còn dấu tích là một cột đá xanh biếc trong hang.

Cho đến bây giờ, hàng năm, dân bản vẫn tổ chức cúng tế, ngay cạnh chiếc cột đá kia, cầu cho mùa mang tươi tốt, cuộc sống ổn định.

Khám phá động thiêng
Sáng hôm sau, Hoàng dẫn tôi xuống một ngôi nhà sàn nằm ngay dưới chân núi, gặp một anh người Thái đang ngồi đốt đá vôi tên là Tuyển. Sau một hồi nói chuyện bằng ngôn ngữ dân tộc, Tuyển đồng ý dẫn chúng tôi vào trong hang Nủa. Tuyển không quên dặn trước chúng tôi đừng gây ồn ào khi vào trong hang. Sau một hồi len lỏi lên lưng chừng núi, anh ta dừng chân trước một bụi cây rậm rạp, rút con dao đi rừng ra chặt một hồi. Cửa hang dần dần lộ ra. Đó là một lối đi rất nhỏ đã bị bụi cây che khuất, phải nhẹ nhàng lắm mới lọt vào được mà không bị xây xát.

Chúng tôi tụt từng người xuống một. Bên trong tối om, nhưng càng vào sâu thì cái hang càng rộng ra, kéo dài. Với 2 cái đèn pin và mấy cây nến mang theo, chúng tôi mò mẫm đặt chân lên từng phiến đá để chui xuống bên dưới. Không thể diễn tả nổi cảm giác lúc đó đối với một người ưa khám phá, một chút rờn rợn, một chút phấn khích, nhất là khi Tuyển nói rằng từng có rất nhiều người thấy một con rắn cực to xuất hiện trong hang.
Lòng hang khá rộng rãi nhưng ghồ ghề
Sau một lúc vất vả, mò mẫm đi ước chừng cũng được vài trăm mét, một hồ nước ngầm xuất hiện loang loáng dưới ánh đèn pin. Trên đỉnh hang, nước róc rách chảy, giọt từng giọt xuống các phiến đá và hồ nước. Tuyển bảo rằng bây giờ nước đang lên, không thể đi tiếp được. Trước cũng đã từng có người mang theo cơm nắm, lội nước quyết tâm đi đến tận cùng của hang, nhưng đi mãi mấy ngày không hết đành quay trở ra. Đợt ấy dân bản tưởng anh ta đã bỏ xác trong hang thiêng, đã chuẩn bị hậu sự và cho thanh niên đi tìm. Sau nghe kể lại cái hang ngầm dài lắm, dễ mà kéo đến tận trong bản Kịt, bản Bá, cách Nủa 10km, kéo sát tới Mường Khến, Hòa Bình.

Tuyển rọi đèn pin vào một cái hốc lớn bên phải hang, hiện lên một cột đá sừng sững, cạnh đó có một khối đá phẳng lỳ, trông giống như một chiếc bàn thiên nhiên tạo ra. Tuyển bảo rằng đó là thanh kiếm báu trong truyền thuyết mà chúng tôi đã được nghe, và bên cạnh là chiếc bệ rồng. Mỗi dịp năm mới, các bô lão trong bản bao giờ cũng tổ chức cúng bái thần linh ngay trên cái bệ rồng ấy.

Anh ta lần mò từng khối đá, rồi cúi xuống đào bới và kêu chúng tôi lại xem. Lần mò mãi dưới lớp đất cát, Tuyển đào lên những mảnh gốm vỡ không còn nguyên vẹn. Nhìn kỹ, vẫn thấy hoa văn được chạm khắc một cách tinh xảo, giống như là trên những chiếc bình gốm cách đây mấy trăm năm mà tôi đã được xem trong một buổi trưng bày cổ vật.

Trước đây dân bản đã tìm thấy nhiều dấu tích chứng tỏ rằng trước đó đã từng có người sinh sống trong hang đá. Những hiện vật được tìm thấy thường là chén, bát, đồ sành sứ cổ, cả những đồng tiền xu đã rỉ nát mà chưa xác định được niên đại, một số kẻ hám tiền lén lút mang ra ngoài bán lập tức mang họa (?!). Nhìn xem đồng hồ thấy đã quá trưa, không thể đi tiếp được nữa, chúng tôi quyết định quay trở ra, Tuyển hẹn tháng 2, tháng 3 nước rút xuống thấp nhất, nếu mọi người về Pù Luông và chuẩn bị vật dụng đầy đủ, sẽ làm một chuyến thám hiểm tìm điểm cuối của cái hang thần bí này.
Theo Đời sống pháp luật
Disqus Comments