2/9/10

Toát mồ hôi chuyện những người... vồ rắn hoang

Người dân ở đây đi bắt rắn bằng… tay không, thấy rắn là lao vào, tóm nó bằng bàn tay của mình - bàn tay không đeo găng, cũng không có bất cứ thứ gì để bảo vệ. Họ cũng không mang theo thuốc chữa rắn cắn, thứ thiết yếu nhất mà lẽ ra bất cứ người hành nghề bắt rắn nào cũng luôn phải mang bên mình. “Vũ khí” duy nhất họ mang theo là một con dao. Con dao này dùng để chặt cây rừng và làm một việc rùng rợn nữa mà tôi sẽ kể ở đoạn sau.

Phụ nữ, trẻ em cũng biết vồ rắn
Nhắc đến Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), người ta nghĩ ngay tới danh nhân Nguyễn Trãi, đến vụ án oan bị chu di ba họ của ông, đến những rừng thông xanh quanh năm rì rào… mà ít người biết rằng, khu vực này còn nổi tiếng bởi có rất nhiều rắn và toàn là những loài rắn mà mới nghe tên đã làm những người bình thường kinh khiếp, như rắn hổ mang trâu, hổ mang bạnh đen, hổ mang bạnh trắng, cạp nong, cạp nia, rắn dáo…

Với người dân ở đây, đang đi bỗng gặp một con rắn thù lù trước mặt là “chuyện thường ngày ở huyện”. Tuần trước, vào buổi tối, chị Lụa nhà ở dưới chân núi Phượng Hoàng của Côn Sơn đi gánh nước tới cổng nhà mình thì gặp con rắn hổ mang trâu trườn ngang qua chân. Vài ngày trước, anh Huy đang sống ở chân núi Kỳ Lân của Côn Sơn thấy đang đêm, gà kêu ầm ĩ, tưởng trộm, chạy ra thì thấy con rắn cạp nong đang lơ lửng trên mái chuồng gà sau nhà. Hai bố con nhà anh Đức cũng ở chân núi Kỳ Lân, buổi sáng sớm lấy đồ đi câu cá, thấy con rắn hổ mang bạnh trắng đang cuộn tròn trong đống lưới của mình… Nói chung, ở nơi đây, người sống chung với rắn.
Cũng vì vậy, từ người già, thanh niên, đàn ông, phụ nữ và cả trẻ con ai cũng biết bắt rắn. Chị Lụa vừa kể ở trên, khi thấy rắn không hét lên bỏ chạy mà tóm ngay lấy con rắn mang về, cân nó lên và quả cân dừng ở con số 1,4kg. Một con rắn to đùng!

Cậu con út của chị Lụa, mới 15 tuổi nhưng đã biết bắt rắn từ lâu. Cậu không thể nhớ được là mình đã bắt được bao nhiêu con rắn, nhưng “hổ mang trâu, hổ mang bạnh trắng… cháu đều đã bắt được cả rồi. Con nào cũng tầm hơn một kg cả”, cậu bé nói. Nhiều bận, “trưa không ngủ được, thế là em đi bắt rắn. Thấy rắn là em vồ ngay”, cậu bé cười hồn nhiên.

Thấy rắn là vồ ngay
Phụ nữ và trẻ em còn “thấy rắn là vồ ngay” thì không kể cũng đoán được đàn ông ở đây bắt rắn cao thủ thế nào. Anh Hòa nhà ở dưới chân núi Phượng Hoàng đến với “nghiệp” này như một sự “tự nhiên nó thế”. Công việc chính của anh là làm thợ xây, nhưng những lúc rảnh rỗi, anh theo bạn đi bắt rắn rồi biết bắt rắn tự lúc nào. Nói tới cái sự bắt rắn, anh chỉ tóm gọn trong một câu: “Cứ thấy rắn là lao theo như con thiêu thân”.

Trước khi kể về anh, có lẽ phải nói rõ về từ “bắt” và “vồ” rắn. Thực ra, dùng từ bắt rắn khi nói về những người dân khu vực Côn Sơn có lẽ hơi sai, đúng ra phải là vồ rắn. Bình thường, người ta bắt rắn phải dùng tới rất nhiều dụng cụ, như: thòng lọng, dùng vợt đặc biệt hay gậy để bắt, thậm chí phải mặc áo bảo hộ đặc biệt, đi bao tay, đội mũ có kính chắn… Nhưng người dân ở đây đi bắt rắn bằng… tay không, thấy rắn là lao vào, tóm nó bằng bàn tay của mình - bàn tay không đeo găng, cũng không có bất cứ thứ gì để bảo vệ.

Họ cũng không mang theo thuốc chữa rắn cắn, thứ thiết yếu nhất mà lẽ ra bất cứ người hành nghề bắt rắn nào cũng luôn phải mang bên mình. “Vũ khí” duy nhất họ mang theo là một con dao. Con dao này dùng để chặt cây rừng và làm một việc rùng rợn nữa mà tôi sẽ kể ở đoạn sau. Nghe những điều này, người ta nghĩ rằng, với những người quanh khu vực núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân ở Côn Sơn, đi vồ rắn nhẹ nhàng như đi dạo chơi, nhưng sự thật không như vậy.
Nghe kể thì thấy công việc bắt rắn dễ dàng, nhưng nếu theo chân những người này, sẽ thấm thía câu “kiếm được đồng tiền khó khăn biết nhường nào”. Muốn bắt được con rắn, những người ở đây phải đi bộ trong rừng và có khi phải đi tới vài chục km. Con rắn đầu tiên anh Hòa vồ được là con hổ mang trâu nặng 1,8kg. Lần đó, anh được người ta chỉ chỗ. Tới nơi, anh kiểm tra dấu vết, thấy đúng là ở đây có rắn thật và là con rắn rất to.

Không thể ngồi đợi tới khi rắn bò ra khỏi hang đi săn mồi được, anh quyết định đào hang rộng ra để… thò tay vào tóm. Bắt được con rắn quả là không dễ dàng. Anh đã mất ba ngày đêm đào hang liên tục, không dám nghỉ ăn trưa vì sợ nhân lúc mình không có, nó “chuồn” mất. Khi bắt được con rắn này, anh đã tự đãi mình món thịt chó mua chịu. Đó là câu chuyện diễn ra hơn ba năm trước. Bây giờ thì anh là người vồ rắn lành nghề ở khu vực núi Phượng Hoàng của Côn Sơn.

Tháng trước, anh phát hiện ra vết rắn đi lại quanh khu vực cửa đền Chu Văn An. Anh đã theo con rắn từ sáng sớm. Rắn là giống tinh khôn, biết bị đuổi, nó trốn ngay vào một cái hang, nhưng khốn nỗi, hang quá ngắn, không che nổi con rắn to đùng nên đuôi của nó vẫn… thò ra ngoài. Với những người bắt rắn, điểm đầu tiên phải tóm ở con rắn là gần đầu và tối kỵ bắt rắn từ đuôi. Nhưng trong trường hợp này, túm được đầu rắn là điều không tưởng. Thế là anh Hòa cứ cầm đuôi rắn mà lôi, tới gần đầu mới lần lần ngón tay tóm lấy. Rắn rất khỏe, một người đàn ông khỏe mạnh với bàn tay quen lao động, những cơ tay như gọng thép mới làm chủ được một con rắn cỡ hơn một kg trở lên.

Có lần, hai bố con anh cùng nhau đi bắt một con rắn. Rắn lại chui vào hang trốn. Thế là hai bố con hì hụi đào cho hang rộng ra rồi cậu con trai anh vì nhỏ người nên được giao nhiệm vụ… chui cả người vào hang kéo con rắn ra, còn anh cầm chân con, kéo con và rắn ra ngoài. Lần đó, hai bố con anh túm được con rắn nặng 1,2kg.

Tháng trước, anh đi tìm rắn từ sáng sớm mà không được con nào, nhưng khi về gần tới nhà lại thấy một con hổ mang bạnh đen trườn qua. Thế là anh lao vào tóm luôn bằng tay không. Lúc cân con rắn lên, được 1,1kg.

Anh Hà bạn cùng xóm với anh Hoà, cũng là một cao thủ vồ rắn. Không ít lần anh Hòa tóm được những con rắn nặng tầm 2kg, dài tới hơn 2m trong vài giây. Nhưng có những con rắn làm hang ở những vách núi dựng đứng và giữa những bụi gai mắt hùm - loại gai rừng mà nếu bị đâm vào da thịt người ta sẽ “rất buốt”, đến mức con chó nhỏ tầm 3kg đi theo anh, bị gai đâm vào chân, đứng ngoài rên ư ử chứ không dám vào theo chủ, nhưng anh vẫn tiến tới để bắt cho được con rắn của mình.

Những chuyện rắn cắn cười ra nước mắt
Nọc độc của rắn hổ mang bành được xếp vào hàng cực độc, vậy mà những người như anh Hòa, anh Hà cùng thống nhất rằng “chả phải lúc nào cũng vậy”. Với anh, chỉ rắn hổ mang bành, rắn cạp nong, cạp nia mới đáng sợ, còn rắn hổ mang bạnh đen, bạnh trắng, hổ mang trâu, anh chỉ xếp vào hàng… rắn nước.
Có lẽ vì vậy, những người bắt rắn ở quanh khu vực Côn Sơn “10 người thì có 9 người phải tháo đốt ngón tay, hoặc nếu ngón tay còn nguyên vẹn thì cũng không được bình thường mà vẹo vọ, đầy sẹo”, anh Hòa cho biết.

Những người vồ rắn ở Côn Sơn không mang theo thuốc giải độc, cũng không bảo vệ mình bằng găng tay hay bất cứ vật dụng nào. Bởi vậy, nếu chẳng may bị rắn độc cắn, việc đầu tiên họ làm là… “chặt phăng ngay phần bị cắn khỏi cơ thể, băng bó lại rồi cố gắng về đến nhà để chạy chữa tiếp”, anh Hà cho biết.

D â n làng dưới chân núi P h ư ợ n g Hoàng còn kể với nhau về việc anh Hoan vồ được con rắn, mang về nhậu. Ai ngờ khi dọn dẹp, thấy đầu rắn, anh cầm lên vứt đi, vô tình bị răng trong cái đầu rắn đã cắt rời từ lâu đâm vào tay. Thế là phải đi cấp cứu và bị tháo mất đốt ngón tay.

Mới gần đây thôi, anh Khánh cũng là chỗ bạn bè với anh Hòa và anh Hà, lần theo dấu vết của rắn hổ mang trâu, một loài rắn mà các anh cho là “không độc mấy”, thấy cái hang của nó và thò tay vào bắt. Ai ngờ trong hang lại là con rắn hổ mang bành còn gọi là hổ mang chúa có nọc được xếp vào hàng độc nhất thế giới, một cú mổ của nó có thể giết chết một con voi trong ba phút, nếu nó mổ vào những bộ phận nhạy cảm của voi như vòi voi. Anh đã chủ quan, bị nó mổ vào ngón tay và đã phải đi cấp cứu rồi bị cắt bỏ một ngón tay.

Còn nhiều những câu chuyện quanh những vụ tai nạn do bị rắn cắn rất thương tâm. Dân quanh vùng còn truyền tai nhau về chuyện một “đồng nghiệp” cũng ở huyện Chí Linh, nhưng ở tận khu Đầu Trâu. Người này bị một con rắn hổ mang chúa cắn vào ngón tay. Như những người hành nghề ở khu vực này, anh đã rút dao, chặt phăng ngay ngón tay đó của mình rồi về nhà. Tuần sau, khi đã khỏe, anh quay lại chỗ cũ, thấy ngón tay của mình vẫn còn, chẳng hiểu nghĩ thế nào, anh lại lấy ngón tay đứt gắn vào chỗ ngón tay cũ của mình. Không ngờ độc rắn ở ngón tay kia vẫn còn nguyên, thế là anh về đến nhà thì chết.

Người dân quanh khu vực Côn Sơn biết rằng, rắn là loại động vật bị cấm săn bắt, nhưng nếu làm theo, với số lượng rắn đông đảo như ở đây, họ sẽ là những người đầu tiên trở thành nạn nhân của chúng. Hơn nữa, nguồn thu nhập chính của họ là quả vải thì mấy năm nay bị xuống giá thảm hại đến mức “công thuê người vặt xuống còn cao hơn cả giá bán ra”- chị Lụa cho biết.
Cuộc sống của người dân vùng này rất khó khăn. Trong khi đó, rắn hoang dã có giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Vậy nên biết bắt rắn là sai và nghề này cũng rất nguy hiểm, nhưng họ phải tự cứu mình. “Nếu chúng tôi có một công việc ổn định, hoặc làm gì đó để có thể sống nhờ cây vải thì chúng tôi chả dại gì mà làm những việc như thế này”, chị Lụa nói.
Theo Tạp Chí Đàn Ông
Disqus Comments