Theo kết quả này, khối tài sản gồm nhà, đất và tiền, vàng gửi tiết kiệm của ông Tiến lên đến hơn 20 tỷ đồng và 510 lượng vàng có dấu hiệu bất minh...
Mua nhà, đất hơn 20 tỷ
Sau khi Tiền Phong lên tiếng về khối tài sản bất thường trị giá hàng chục tỷ đồng của ông Tiến phần lớn được mua sau khi CTDLTG vào tay gia đình ông Hoàng Kiều, ông Tiến đã cho rằng, thông tin trên chưa chính xác và tài sản có được do gia đình ông làm ăn hợp pháp!?
Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng điều tra, kết quả xác minh từ các cơ quan chức năng của tỉnh Tiền Giang cho thấy tài sản khổng lồ của ông Tiến không phải do làm ăn chính đáng mà có.
Nhiều tài sản của Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang được định giá thấp khi cổ phần hóa
Qua chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, đến giữa tháng 8/2010, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang đã xác định ông Tiến và hai con trai ông đang đứng tên trên 10 loại tài sản là nhà, đất tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Trong đó có một căn nhà kiên cố và gần 11.000 m2 đất với giá trị trên 20 tỷ đồng.
Đáng chú ý hơn nữa, mặc dù nhiều mảnh đất đứng tên con nhưng người trả tiền cho bên bán lại chính là ông Tiến. Cá nhân ông Tiến đang sở hữu một căn nhà và hơn 3.500 m2 đất với hàng trăm căn nhà trọ tại những vị trí đắc địa của TP Mỹ Tho, trị giá trên dưới 10 tỷ đồng.
Còn con trai út ông Tiến, anh Trần Thanh P. hiện là sinh viên nhưng cũng có hơn 7.200 m2 đất ở những vị trí đắc địa không kém cha mình trên khắp TP Mỹ Tho. Vợ và con trai cả của ông Tiến còn đứng tên, quản lý hàng trăm nhà trọ cho thuê tại P.9 TP Mỹ Tho.
Hàng chục tỷ đồng khác tại ngân hàng
Từ tháng 6/2010 đến nay, ông Tiến khiếu nại nhiều báo đăng tin ông và gia đình có dấu hiệu bất thường về tài sản và cho biết đang cân nhắc khiếu kiện. Nguồn tiền mua nhà, đất được ông Tiến giải thích là vay ngân hàng 3 tỷ đồng và nhận tiền đền bù 1,8 tỷ đồng.Trong quá trình mua hàng loạt lô đất có giá trị khá lớn, ông Tiến và gia đình đã tìm nhiều cách để lách thuế, sang nhượng cho nhau nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Chỉ với 7 hồ sơ sang nhượng đất, giá ghi trên hợp đồng chỉ hơn 1,6 tỷ trong khi giá mua bán thực hơn 6 tỷ đồng, chênh lệch gần 4,4 tỷ đồng.
Ông Tiến còn khẳng định mình không trốn thuế, tài sản làm ăn chính đáng mà có. Hiện ông Tiến đã xin về hưu trước tuổi nhưng do những vướng mắc tại CTDLTG nên lãnh đạo tỉnh Tiền Giang chưa giải quyết.
Khá nhiều hồ sơ mua bán, sang nhượng nhà, đất ông Tiến đã khai nhiều địa chỉ cư ngụ khác nhau. Cơ quan chức năng đã phát hiện có địa chỉ ma và khẳng định ông Tiến cùng gia đình có dấu hiệu trốn thuế.
Không chỉ có nhà, đất trị giá hơn 20 tỷ đồng, ông Tiến cùng vợ còn gửi tiết kiệm gần 6 tỷ đồng và 531 lượng vàng tại nhiều ngân hàng từ đầu 2008 đến giữa 2010. Chỉ từ tháng 2/2008 đến tháng 1/2009, riêng ông Tiến đã giao dịch 17 lần tại một ngân hàng lớn với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng!?
Hầu hết tài sản có trị giá lớn của ông Tiến và gia đình xuất hiện từ sau ngày ông Hoàng Kiều tiến hành các hoạt động mua một phần rồi toàn bộ CTDL Tiền Giang từ 2008 đến 2010, khi công ty này cổ phần hóa và bán dần cho đến hết phần vốn nhà nước.
Cơ quan chức năng của Tiền Giang đã xác minh ông Tiến và gia đình từ trước đến nay không có hoạt động kinh doanh gì để có thu nhập cao, bản thân ông Tiến là cán bộ công chức. Xét về hoàn cảnh kinh tế, gia đình ông Tiến không có khả năng mua khối tài sản trên bằng nguồn thu nhập chính của gia đình.
Cũng theo cơ quan chức năng, việc sang nhượng đất không kê khai đầy đủ số tiền và có dấu hiệu trốn thuế, có dấu hiệu bất minh về tài sản và đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang tiến hành kiểm tra đảng viên đối với ông Tiến.
(Theo TPO)