Liên đoàn không quân và phòng không Viễn Đông, Nga chuẩn bị phóng 30 tên lửa không đối không.
Theo tiết lộ của ông Drick, bắt đầu từ 1/9 các phi công máy bay tiêm kích phản lực Su-27 của Liên đoàn không quân và phòng không Viễn Đông đã bắt đầu thực hiện các bài diễn tập tác chiến bắn đạn thật trên bãi thử nghiệm ở tỉnh Sakhalin.
Dự kiến, trong hai ngày các phi công điều khiển máy bay tiêm kích phản lực Su-27 của Liên đoàn không quân và phòng không Viễn Đông sẽ hoàn thiện bài diễn tập bắn đạn thật (phóng 30 quả tên lửa không đối không) trong mọi điều kiện thời tiết và thời gian khác nhau.
Khác với các đợt tập trận khác, trong đợt tập trận không quân lần này Nga sẽ chỉ sử dụng các phi công trẻ để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện tác chiến chứ không phải là các phi công giàu kinh nghiệm như thông thường.
Gần 30 quả tên lửa không đối không sẽ được phóng đi từ máy bay tiêm kích phản lực Su-27.
Phía đại diện Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng, tất cả các chuyến bay của chiến đấu cơ phản lực Su-27 sẽ được thực hiện từ sân bay Dzemgi thuộc tỉnh Amur. Nga đã huy động gần 20 máy bay chiến đấu để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện này.
Đánh giá về hoạt động tập luyện bất thường này, các chuyên gia phân tích không khỏi hoài nghi sự liên quan nhất định với sự kiện NATO muốn tái sử dụng căn cứ không quân ở Tây Ban Nha để huấn luyện cho các phi công cách đối phó với máy bay tiêm kích phản lực Su-27 của Nga.
Trong khi NATO đưa tin tổ chức này đang thảo luận với Belarus về hợp đồng mua 15 máy bay tiêm kích Su-27 để dự kiến triển khai tại căn cứ huấn luyện không quân mới tại Tây Ban Nha thì phía Belarus đã lên tiếng phản bác thông này đồng thời khẳng định chắc chắn không có bất cứ hợp đồng quân sự nào với NATO.
Hệ thống vũ khí, trang bị trên máy bay tiêm kích phản lực Su-27.
Sukhoi Su-27 (tên ký hiệu của NATO 'Flanker' - kẻ tấn công bên sườn) là máy bay tiêm kích phản lực từ thời Xô Viết được thiết kế, chế tạo năm 1977. Với tầm hoạt động lớn, trang bị vũ khí hạng nặng, và khả năng cơ động linh hoạt, Su-27 được coi là “khắc tinh” của những loại máy bay chiến đấu thế hệ mới của Mỹ (F-14 Tomcat sản xuất năm 1970, F-15 Eagle sản xuất năm 1972, F-16 Fighting Falcon và F/A-18 Hornet).
Dựa trên phiên bản của Su-27, Nga đã phát triển thành một vài phiên bản máy bay chiến đấu mới, trong đó có Su-33 'Flanker-D' - mẫu máy bay tiêm kích đánh chặn đối hạm được trang bị trên các tàu sân bay, Su-30 - mẫu máy bay tiêm kích đa nhiệm hai chỗ ngồi có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết, chuyên thực hiện các nhiệm vụ không chiến và đánh chặn từ xa.
Máy bay tiêm kích ném bom Su-34 Fullback - biến thể của Su-27.
Ngoài ra, trên phiên bản Su-27, Nga còn phát triển thành các phiên bản máy bay tiêm kích ném bom Su-34 'Fullback' và phiên bản tiêm kích phòng thủ trên không cải tiến Su-35 'Flanker-E' mang những tính năng vượt trội.
Su-27 có chiều dài 21.9 m, sải cánh 14.7 m, cao 5.93 m, diện tích cánh 62 m² , trọng lượng khi không tải 16.380 kg, trọng lượng cất cánh 23.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 33.000 kg, trang bị hai động cơ Saturn/Lyulka AL-31F có công suất 122.8 mã lực/mỗi động cơ.
Máy bay loại này có thể đạt vận tốc cực đại 2,35 Mach (2.500 km/h), tầm hoạt động tác chiến trên biển 1.340 km (800 dặm), trên đất liền 3.530 km (2.070 dặm), trần bay cao thực tế 18.500 m, vận tốc khi cất cánh 325 m/s.
Máy bay tiêm kích Su-33 Flanker-D biên chế trên tàu sân bay - biến thể của Su-27.
Vũ khí biên chế trên máy bay tiêm kích Su-27 bao gồm: một khẩu pháo 30 mm GSh-30-1 với 150 viên đạn, 10 giá treo vũ khí bên ngoài mang 8.000 kg. Máy bay loại này có thể mang được 6 quả tên lửa không đối không tầm trung R-27, 4 tên lửa không đối không tầm gần R-73. Riêng các biển thể Su-27SM có thể mang được R-77 thay cho R-27, Su-27IB có thể sử dụng để phóng tên lửa chống bức xạ X-31, tên lửa không đối đất X-29L/T (điều khiển bằng laser có thể chiếu lên mũ), bom không quân KAB-150 và UAB-500 điều khiển bằng laser.
Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Rian)