28/9/10

4.000 hộ dân khốn khổ vì 21 dự án treo

Rất nhiều doanh nghiệp mê bờ biển đẹp của xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam nên đã tìm đến đầu tư. Nhưng sau nhiều năm khởi động, 21 dự án “bất động”, gây nhiều cảnh khốn cùng cho người dân.

Trước bị cắt, sau bị lấn
Xã Điện Dương có 4.000 hộ dân, trong đó có 1.000 hộ sống giáp bờ biển. Cách đây 7 năm, UBND tỉnh Quảng Nam quy hoạch 7 km bờ biển thuộc xã Điện Dương cho các dự án du lịch sinh thái. 1.000 hộ dân rơi vào tình cảnh phải di chuyển nơi ở...
Bà Phan Thị Mai bên căn nhà “đi không được ở không xong”

Thế nhưng đến hôm nay, số hộ dân được di dời, tái định cư chỉ có 150 hộ. Như vậy, 850 gia đình còn lại đang ở tình trạng “đạn đã lên nòng nhưng không được bắn”. Họ sống thấp thỏm từ đó đến giờ và không biết đến bao giờ.

Ở gần biển, giông bão nhiều làm tôn bay, nhà đổ. Thế nhưng họ chỉ được phép sửa tạm nhà cửa, không được phép xây kiên cố. Có tiền, giàu có cũng phải ở nhà tạm, làm kiên cố để chống bão tố là bị cưỡng chế, đập ngay. Mà muốn không ở chỗ đó cũng không được vì họ không được phép chuyển nhượng đất đai.

Cách đây 4 năm, Quảng Nam mở con đường ven biển Điện Bàn. Con đường này đi qua nhà rất nhiều hộ dân trong 1.000 hộ nói trên. Một số hộ được di dời đi, còn phần nhiều bị con đường này cắt ngang mặt tiền. Rất nhiều ngôi nhà bên đông con đường rơi vào “nghịch cảnh”: Không có phòng khách, không có hàng rào, cổng ngỏ vì bị con đường xén mất.

Chưa hết, sau lưng những ngôi nhà này là bờ biển rộng từ 100-150m và gần như toàn bộ được (hay bị?) nhà đầu tư xí phần để làm dự án du lịch. Các nhà đầu tư đã lấy từ mép nước biển vào tận sát chái hè nhà dân, thậm chí còn lấy luôn (có đền bù) công trình vệ sinh sau nhà. Dân sống gần biển nhưng không còn thấy biển nữa vì sau lưng nhà họ là là bức tường chắn ngang thể hiện ranh giới dự án.

Những con rồng giấy
Phó Chủ tịch UBND xã Điện Dương Trần Minh Hoàng đưa ra danh sách các dự án đầu tư trên địa bàn xã 10 năm qua. Có tổng cộng 21 dự án. Ông nói: “Cái nào nhà đầu tư thực hiện thì tôi đánh chéo. Chúng tôi đếm thấy đúng 3 dấu chéo, 21 dự án còn lại, cái thì ông Hoàng nói đang khảo sát, đang lập dự án, và rất nhiều cái ông chỉ nói gọn lỏn: Hắn chạy mất dép rồi! (ý nói nhà đầu tư đã bỏ đi từ lâu và không thèm thông báo lại cho địa phương).

Có những dự án đến Điện Dương "rạng rỡ" như... siêu sao. Thế nhưng sau những ồn ào đó, là bãi đất trống được "nhốt" lại trong mấy bức tường. Dự án Dragon Beach (Biển Rồng) của Tập đoàn Tano Capital (Mỹ) được cả tỉnh đón chào vì tổng giá trị đầu tư mà tập đoàn này đăng ký đến 4,15 tỷ USD, lớn nhất nước.

Nhà đầu tư đến và nói chắc nịch với người dân sống trong 300ha ven biển Điện Dương rằng: Bà con ra đi tái định cư ngoài hưởng tiền đền bù như quy định của nhà nước, doanh nghiệp chúng tôi sẽ còn hỗ trợ cho mỗi gia đình một ngôi nhà 2 tầng 150m2, sẽ giải quyết việc làm cho tất cả dân cư, bất kể ai có sức lao động...

"Tôi nghe mà phì cười. Tôi quá biết "bài" đó rồi. Ông nào càng "nổ" càng "rỗng". Ở cái đất này, ngày nào cũng có nhà đầu tư đến, và ngày nào cũng có nhà đầu tư "trốn biệt". Tôi quá rành. Chỉ tội cho những người dân tin hão và chờ đợi" - ông Hoàng chua chát. Đúng vậy, dự án 4,15 tỷ USD đó chỉ là con rồng "giấy", đã hết hạn đầu tư 2 năm rồi, mà chưa thấy bóng dáng nhà đầu tư đâu.

Những phận người cát lấp
Sau lưng nhà bà Phan Thị Mai (47 tuổi), ở giáp biển, bao đời qua là một khu rừng dương, ở đó bà trồng khoai lang, làm chuồng nuôi heo, gà... giúp gia đình bà sống yên ổn qua ngày. Năm 2000, tỉnh cho phép một doanh nghiệp đến lập dự án trên bờ biển phía sau lưng 17 ngôi nhà của dân Điện Dương, trong đó có nhà bà Mai.

Chủ đầu tư ủi trống toàn bộ bờ biển, xây bức tường bao chung quanh, trương cái bảng Trường Sơn lên, rồi... để đó. 8 năm rồi không thấy chủ đầu tư làm gì. Mỗi khi có gió lớn, có bão, thì cát ngoài bờ biển không còn rừng dương chắn lại bay thông thốc vào phủ lấp lên dân làng, cơm không ăn được, nước không uống được, ngủ phải bịt khẩu trang. Bà con cam chịu sống chung với cát cho đến 2 năm lại đây...

Bà Mai có cháu nội. Một đêm cháu bà nằm ngủ trong mùng mà sáng dậy cả một mặt đầy cát. Không chịu nổi, bà để nguyên thằng cháu như vậy bồng thẳng lên UBND xã Điện Dương. Bà kêu gào rằng bà và những người dân Điện Dương là những con người đang sống, không phải là những pho tượng hay những ngôi mộ mà phải chịu cát lấp. Không biết xã làm thế nào mà nhà đầu tư kia trở lại xây thêm một bức tường khác cao 2,5m nữa, và cũng chỉ làm chừng đó!

Dọc 7km bờ biển Điện Dương bây giờ là những bức tường kế tiếp nhau bao các khu bãi biển bị ủi trọc được gọi là dự án. Và nó đang "hành hạ" người dân xã này bằng cát. Cát lấp nhà dân hàng mét, cát lấp đường gây tai nạn giao thông liên tiếp, cát phủ lên làm chết rau màu... "Nhiều gia đình nông dân không còn biết làm ăn gì vì cát do các dự án "treo" tạo nên" - ông Nguyễn Thanh Thưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Dương, than thở.
Trần Quang
Các dự án "treo" và chậm triển khai ở Điện Dương:
1. Dự án Công ty Dinh Street (thôn Hà Quảng Đông): 10ha; 2. Dự án DIC (Công ty Xây dựng Hội An, thôn 1a): 2ha; 3. Dự án Quyết Thắng (thôn 1a): 2ha; 4. Dự án Vina Capital (thôn 1a): 8,6 ha; 5. Dự án Công ty Hải Long (Trường Sơn Ảnh, thôn 1a): 7ha; 6. Dự án Sân golf Công ty Sài Thành (thôn 1a): 120ha; 7. Dự án khu tái định cư (thôn 1a,b): 76ha; 8. Dự án Khu dân cư Thống nhất (thôn 1b): 20ha; 9. Dự án Khu Làng chài (thôn 1b): 10ha; 10. Dự án Khu du lịch Đông Mỹ Việt: 5ha; 11. Dự án Khu du lịch sinh thái khu vực xóm tây: 7a; 12. Dự án Công ty Prla International Living: 25ha; 13. Dự án Pegassus Global Capital (Bệnh viện C): 10ha; 14. Dự án Khu tái định cư thôn Hà Quảng Bắc: 30ha; 15. Dự án Vinashin phía tây bắc đường 607B: 400ha; 16. Dự án Khu quần ngựa Kim Vinh: 9ha; 17. Dự án Khu quy hoạch nghĩa trang nhân dân: 35ha; 18. Dự án Khu dân cư và chợ: 10ha; 19. Dự án Biển Rồng: 300ha; 20. Dự án Cát Tiên thôn Hà My tây Giáp Điện Nam: 5ha; 21. Dự án Khu Du lịch bãi tắm Hà My: 15ha
(Nguồn: UBND xã Điện Dương)
Theo Dân Việt
Disqus Comments