1/8/10

Tìm hiểu tàu chiến hạm Trung Quốc khuấy động trên biển Đông

Dư âm cuộc tập trận Mỹ - Hàn còn chưa lắng xuống thì biển Đông lại dậy sóng khi các tàu chiến hạm đội Nam Hải (Trung Quốc) tiến hành tập trận bắn đạn thật.
>>Trung Quốc tiếp tục điều tàu tới Trường Sa
Mặc dù hiện tại, thông tin các kiểu loại tàu cũng như số lượng tham gia trên các trang báo mạng Trung Quốc không đưa, tuy nhiên, thông qua nhận diện số hiệu, hình dáng thì có thể biết được tên, lớp tàu và tính năng chiến đấu:

Khu trục hạm lớp Sovremenny (dự án 956)
Khu trục hạm lớp Sovremenny (dự án 956) được Liên Xô chế tạo vào giữa những năm 80, mục đích ban đầu là chống lại các chiến hạm, tàu sân bay của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Liên bang Xô Viết tan vỡ, kinh phí thiếu thốn, dự án này không thể hoàn thành.

Năm 1996, Hải quân Trung Quốc mua lại hai thân tàu (trị giá mỗi chiếc 800 triệu USD) và chi tiền để nhà máy của Nga hoàn thành. Năm 1999 – 2000, hai tàu lần lượt chuyển giao mang tên Hangzhou (136) và Fuzhou (137).
Năm 2002, Trung Quốc tiếp tục “tậu” hai tàu Sovremenny cải tiến (dự án 956EM), mỗi chiếc trị giá 1,4 tỷ USD; lần lượt được chuyển giao trong hai năm 2005 – 2006 và được đặt tên là Taizhou (138) và Ninhbo (139).

Lớp Sovremenny là thiết kế tiêu biểu của Liên Xô thời kỳ chiến tranh Lạnh, với hệ thống vũ khí, điện tử đồ sộ và hệ thống tác chiến điện tử tinh vi phức tạp.
Ở thời kỳ này, vẫn chưa có kiểu thiết kế mặt dốc nghiêng để tàng hình trước radar đối phương. Toàn bộ trang bị vũ khí của Sovremenny đều được phô ra bên ngoài, điều đó làm tăng diện tích phản xạ radar (RCS).

Sovremenny dài 156m, rộng 17,3m và lượng choán nước lên tới 8.000 tấn.

Như đã nói trên, Sovremenny vũ trang hạng nặng với tổ hợp tên lửa hành trình siêu âm chống hạm 3M80 Moskit (SS – N – 22). Tên lửa lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh 300kg hoặc đầu đạn hạt nhân 20kt, tầm bắn 120km, tốc độ hành trình Mach 2,5. Phiên bản cải tiến Sovremenny (dự án 956EM) trang bị tên lửa 3M80MBE có tầm bắn 200km. Tổ hợp Moskit kết hợp hệ thống radar kiểm soát hỏa lực Mineral – E.
Sovremenny sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung 9M38 (SA – N – 7), dẫn đường bằng radar bán chủ động. Tên lửa kết hợp radar quét vòng Top Plate để theo dõi mục tiêu và radar MR – 90 đưa ra các chỉ dẫn đường bay cho tên lửa. Tên lửa 9M38 chống máy bay ở cự ly 25km và tên lửa diệt hạm ở cự ly 15km.

Hệ thống pháo phòng thủ trên tàu gồm: hai pháo hạm AK – 130 cỡ 130mm hai nòng đặt phía đầu tàu và đuôi tàu, AK – 130 kết hợp radar kiểm soát hỏa lực MR – 184 điều khiển hoàn toàn tự động hoặc thao tác thủ công; bốn pháo phòng thủ tầm gần AK – 630 kết hợp radar kiểm soát MR – 123 – 02.

Trên phiên bản cải tiến của Sovremenny (dự án 956EM), pháo hạm AK 130 nằm ở đuôi tàu cùng bốn pháo AK – 630 bị gỡ bỏ và thay vào là tổ hợp pháo – tên lửa phòng không kết hợp Kashtan.Kashtan được cấu thành từ một mô đun điều khiển 3R86E1 và hai mô đun chiến đấu 3R87E (gồm hai pháo tự động GSh – 30k sáu nòng cỡ 30mm, tên lửa đối không tầm ngắn SA – N – 11).
Ngoài ra, Sovremenny trang bị hai cụm máy phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 533mm và hai cụm giàn phóng rocket chống ngầm RBU – 1000. Boong tàu phía sau bố trí sân đáp trực thăng chống ngầm Kamov Ka – 28.

Hệ thống động lực của Sovremenny gồm bốn nồi hơi áp suất cao KVG – 3, động cơ tuốc bin khí TV – 12 – 4. Tàu có tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động 22.500km.
Khu trục hạm Sovremenny (dự án 956/956EM) là xương sống của hải quân Trung Quốc. Đây có thể coi là tàu chiến mạnh nhất của Trung Quốc, có tầm hoạt động cực xa, vũ khí cực mạnh và không có thiết kế khu trục hạm nội địa nào sánh được.

Sovremenny cũng đem lại cho Trung Quốc không ít thiết kế độc đáo tên lửa và radar mà sau này họ đã áp dụng sản xuất cho tàu khu trục thế hệ mới Type 054 (lớp Jiangkai).

Khu trục hạm Type 054A (lớp Jiangkai – II)
Type 054A hay lớp Jiangkai – II là khu trục hạm đa năng thế hệ mới của hải quân Trung Quốc phát triển từ Type 054 (lớp Jiangkai – II) mang một số cải tiến hệ thống vũ khí và bộ phận cảm biến.

Hiện có tất cả bốn chiếc Type 054A được đóng, lần lượt mang tên và số hiệu: Xuzhou (530), Zhoushan (529), Huangshan (570) và Chaohu (568).
Khu trục hạm Type 054A dài 134m, rộng 16m, lượng choán nước 4.053 tấn. Các bề mặt thân tàu được làm nghiêng để giảm tối đa diện tích phản xạ radar (RCS) giúp tàu có khả năng tàng hình trước quân địch.

Hệ thống radar của Type 054A sử dụng thiết kế của Nga hoặc Trung Quốc, sản xuất theo giấy phép của Nga hoặc chế tạo lại một số radar lấy từ tàu khu trục thuộc dự án 956, ví dụ: radar tìm kiếm trên không Fregat – MAE – 5, radar kiểm soát hỏa lực MR 90 cho tổ hợp tên lửa phòng không, radar kiểm soát hỏa lực Mineral – ME dẫn đường tên lửa đối hạm, radar Type 347G dành cho pháo hạm và pháo phòng không.
Hệ thống vũ khí chống tàu chủ yếu của Type 054A là tổ hợp tên lửa diệt hạm YJ – 83, sử dụng phương thức dẫn đường radar chủ động, tầm bắn 180km mang đầu đạn nặng 165kg.

Vũ khí phòng không gồm tổ hợp tên lửa đối không tầm trung 9M317 (SA – N – 12), có tất cả 32 quả đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng nằm ngay sau tháp pháo 76mm. Tên lửa có tầm bắn 38km, phương thức dẫn đường radar bán chủ động.

Theo một số nguồn tin không chính thức, ống phóng thẳng đứng (VLS) còn có khả năng bắn tên lửa chống ngầm Yu – 8, tên lửa mang theo ngư lôi tự dẫn âm học Yu – 7, khi tới gần mục tiêu thì Yu – 8 thả ngư lôi tự tìm đến mục tiêu cần tiêu diệt.
Ngoài các loại tên lửa, Type 054 còn vũ trang pháo hạm 76mm, tầm bắn 15km; tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần Type 730 bảy nòng cỡ 30mm, tốc độ bắn cực nhanh 4.600 – 5.800 viên/phút, tầm bắn 3.000m; giàn phóng rocket chống ngầm Type 87 kết hợp hệ thống định vị siêu âm MGK 335 chuyên trách bảo vệ tàu trước các loại tàu ngầm đối phương. Type 87 trang bị loại đạn rocket cỡ 240mm, tầm bắn 1.200m.
Boong sau của tàu có bãi đáp trực thăng chống ngầm Kamov Ka – 28 hoặc Harbin Z – 9C.

Type 054A trang bị hệ thống động lực kết hợp diesel và diesel dựa trên bốn động cơ diesel SEMT Pielstick 16 PA6V – 280 STC, tổng công suất 18.880 kW. Tầm hoạt động 6.000km, tốc độ tối đa 30 hải lý/h.

Khu trục hạm Type 052C (lớp Luyang – II)
Type 052C (lớp Luyang – II) là khu trục hạm hạng nặng mang tên lửa của hải quân Trung Quốc. Hiện có hai tàu thuộc hạm đội Nam Hải Lanzhou (170) và Haikou (171).

Type 052C có chiều dài 154m, rộng 16m, lượng choán nước 7.000 tấn. Phần thân tàu thiết kế hoàn toàn giống “người anh” Type 052B nhưng xét hệ thống vũ khí, điện tử trang bị trên tàu thì khác biệt nhiều. Lớp Lyang – II lắp radar mạng đa năng tương tự hệ thống radar AN/SPY – 1 (bộ phận của hệ thống chiến đấu Aegis) tiên tiến trên các tuần dương, khu trục của hải quân Mỹ.
Type 052 có xu hướng thiên về khả năng phòng không hạm đội nhiều hơn là chống hạm mặc dù được vũ trang tên lửa đối hạm tầm xa.

Hệ thống phòng không Type 052C là tổ hợp tên lửa hải đối không tầm trung – cao HQ 9 (sao chép S – 300). Có 48 tên lửa HQ – 9 đặt trong 8 cụm ống phóng thẳng đứng (mỗi cụm gồm sáu ông chứa tên lửa).
Tên lửa HQ – 9 là sự pha trộn công nghệ của hai hệ thống tên lửa phòng không hàng đầu thế giới S – 300 (Nga) và Patriot (Mỹ). Trung Quốc đã “ăn cắp” công nghệ động cơ và hệ thống điều khiển từ tên lửa S – 300, hệ thống dẫn đường từ Patriot để tạo nên sản phẩm “made in China” với tính năng không thua kém loại tên lửa đối không hiện đại của Nga – Mỹ.

HQ – 9 thiết kế để đánh chặn tên lửa đối hạm, máy bay đối phương. Tên lửa có tầm bắn 120km, tốc độ Mach 4,2, trần bay 30.000m. Phương thức dẫn đường quán tính trong giai đoạn giữa hành trình và đến cuối hành trình bay sử dụng radar chủ động.
Vũ khí diệt hạm chủ lực của Type 052C là tổ hợp tên lửa hành trình chống tàu tầm xa YJ – 62. Phương thức dẫn đường của tên lửa kết hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS), định vị quán tính (INS) và radar chủ động (trong giai đoạn cuối hành trình bay). Trong hành trình bay tên lửa bay cách mặt biển 30m, cuối hành trình bay cách 7 – 10m, tầm bắn khoảng 280km.

Các loại vũ khí còn lại gồm pháo hạm 100mm, tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần Type 730, ngư lôi chống ngầm cỡ 324mm. Và boong tàu phía sau có bãi đáp trực thăng đáp ứng cất hạ cánh của các loại Kamov Ka – 28 và Harbin Z – 9.
Type – 052C trang bị hệ thống động cơ kết hợp gồm hai động cơ tuốc bin khí DA80/DN80 và hai động cơ diesel Shaanxi, cho phép đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/h.

Tàu tấn công tốc độ cao Type 022 (lớp Houbei)
Type 022 là tàu hai thân tấn công tốc độ cao thế hệ mới do hải quân Trung Quốc thiết kế phát triển.

Được biết, Type 022 là tàu hai thân chiến đấu đầu tiên trên thế giới. Thực tế, các tàu hai thân xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, nhưng tàu hai thân đóng vai trò chiến đấu thì chưa bao giờ. Gần đây, hải quân Mỹ đang thử nghiệm tàu tuần duyên hai thân FSF1 có vũ trang.
Type 022 dài 40m, rộng 12m, lượng choán nước 220 tấn, trang bị hai động cơ diesel cho phép đạt tốc độ 36 hải lý/h. Số lượng thủy thủ đoàn khoảng 12 – 14 người.

Thân tàu Type 022 thiết kế với bề mặt dốc nghiêng, các ô cửa sổ bố trí theo hình răng cưa, tất cả không ngoài mục đích giảm tối đa diện tích phản xạ radar. Đặc biệt, cách sơn ngụy trang thân tàu có sự khác biệt vùng miền, ở khu vực phía bắc sơn bốn màu (đen – xám – xanh – trắng) nhưng khu vực phía nam sơn ba màu (trắng – xám – xanh).
Vũ khí mạnh nhất của Type 022 là tổ hợp tên lửa chống hạm YJ – 83 (tám quả), tầm bắn 180km. Và tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần Ak – 630 sáu nòng cỡ 30mm, tầm bắn 5.000m, tốc độ bắn 4.000 viên/phút.

Hiện tại có khoảng 40 chiếc Type 022 phục vụ trong các hạm đội của hải quân Trung Quốc.
N.Hoàng (Tổng hợp)
Disqus Comments