17/8/10

Những đại gia trong lịch sử phong kiến Trung Quốc

Trong lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc đã xuất hiện rất nhiều những nhân vật nổi tiếng về sự giàu có mà hậu thế vẫn còn phải “ngỡ ngàng”. Xin giới thiệu tới độc giả một số nhân vật được coi là “đại gia” lớn trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Phạm Lãi

1. Phạm Lãi (Đào Chu Công)
Người Trung Quốc hiện vẫn thờ tài thần Phạm Lãi, vì ông là tấm gương kiếm tiền và dùng tiền, vừa có trí huệ vừa có phước báo. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, Việt vương Câu Tiễn có hai tay trợ thủ, một là Phạm Lãi, hai là Văn Chủng. Hai mươi năm sau, nước Việt phục hưng, diệt xong nước Ngô.

Khi đó, Phạm Lãi biết quốc vương có thể cùng chịu hoạn nạn, nhưng chẳng thể cùng hưởng phú quý, bởi thế bèn đổi tên họ trốn đi, lưu lại một phong thư khuyên Văn Chủng cũng nên bỏ đi. Văn Chủng không tin, quả nhiên mấy ngày sau, Câu Tiễn ban cho Văn Chủng thanh bảo kiếm, buộc ông ta tự sát. Phạm Lãi đổi tên thành Đào Châu Công, buôn bán giàu có lớn, đem toàn bộ tài sản bố thí, cứu tế bần dân khốn khổ. Tiền tài xài hết, lại buôn bán, chẳng mấy năm, lại phát tài, cũng tán tài giống như cũ, ba lần tài tụ tài tán.

2. Tử Cống
Tên thật là Đoan Mộc Tứ, cùng với Tử Lộ, Nhan Hồi... Tử Cống là một trong những học trò ưu tú của Khổng Tử. Không chỉ nổi tiếng là một người có học thức về Nho giáo uyên thâm, Tử Cống cũng nổi tiếng là một thương gia giàu có vào bậc nhất thời Xuân Thu.

Có tích rằng: nước Lỗ muốn lôi kéo nhân tài, hiền sĩ về nước nên có ra quy định "Bất cứ người nước Lỗ nào bị ép buộc làm quan ở nước khác thì có thể xuất công khố chuộc họ về và trọng dụng". Một lần kia, Tử Cống đã không theo lệ đó, dùng tiền riêng của mình chuộc một người nước Lỗ và đã bị Khổng Tử phê bình. Khi về già, ông từng thuê một đoàn xe ngựa đi ngao du sơn thủy và xem thiên hạ làm ăn.

3. Trác Thị
Được mệnh danh là “ông vua gang thép” đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, Trác Thị nổi tiếng thời Chiến Quốc là một người làm ăn có tâm và có tầm. Để đi tìm những mỏ gang thép khắp Trung Quốc, hai vợ chồng nhà Trác Thị đã lặn lội thăm dò tại rất nhiều khu vực tại tỉnh Tứ Xuyên, sau đó thuê thợ khai thác và tự tay bán sản phẩm. Dù là người rất giàu có nhưng Trác Thị không bao giờ quên gốc gác nghèo khó của mình, ông thường cứu tế bần dân khốn khổ, san sẻ tài sản của bản thân cho những người có gia cảnh khốn cùng.

4. Lã Bất Vi
Lã Bất Vi (292-235 TCN) là một thương gia thời Chiến Quốc. Sau ông được chọn giữ chức thừa tướng cho nước Tần. Lã Bất Vi là cha của Doanh Chính tức vua Tần Thuỷ Hoàng nước Tần, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa.

Khởi nghiệp từ một người buôn bán tơ lụa, với tài trí khôn ngoan hơn người, sau này khi được vào cung, ông còn nổi tiếng trong lịch sử về buôn quan bán tước.Theo sử sách ghi lại, trước khi chính thức bước vào quan trường, Lã Bất Vi đã là một nhà buôn lớn ở Dương Địch, nước Vệ, chuyên nghề mua rẻ, bán đắt, trong nhà có hàng nghìn cân vàng.

5. Đặng Thông
Đặng Thông là thương gia sống thờì Hán Văn Đế của nhà Tây Hán (khoảng từ 202 TCN – 157 TCN). Là một cận thần nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của Hán Văn Đế, Đặng Thông đã thao túng quyền lực để làm giàu cho bản thân. Một mình Đặng Thông đã lũng đoạn thị trường đúc tiền và công nghệ khai thác đồng khi đó. Riêng tài sản cá nhân của Đặng Thông thì không ai có thể biết chính xác, người ta chỉ biết rằng ông là người giàu nhất thiên hạ vào thời Hán Văn Đế. Tuy nhiên, hậu vận của Đặng Thông cũng hết sức bi thảm, sau khi Hán Văn Đế qua đời, không còn ai nâng đỡ, Đặng Thông cũng bị bắt và chết cô đơn chốn ngục tù.

6. Đổng Hiền
Đổng Hiền tự là Thánh Khanh người vùng Vân Dương. Cha là Đổng Cung từng làm đến chức ngự sử. Vào thời đó, Đổng Hiền còn là một người hầu bên cạnh thái tử. Ban đầu, Đổng Hiền không được chú ý nhiều. Cho đến một hôm, Đổng Hiền đang làm việc trong cung, đúng lúc dừng lại ở trước điện thì Hán Ai Đế, khi đó đã là hoàng đế nhìn thấy và nhận vào làm người hầu.

Cũng giống như Đặng Thông, do nhận được sự ưu ái đặc biệt của Hán Ai Đế nên Đổng Hiền cũng thao túng quyền lực làm giàu cho bản thân. Theo sử sách ghi lại thì riêng dinh cơ của Đổng Hiền cũng tráng lệ, quy mô vượt hơn hẳn các vị đại thần đương nhiệm. Vàng bạc, lụa là, gấm vóc quý hiếm thì nhiều không đếm xuể. Tuy nhiên, sau này khi Hán Ai Đế qua đời thì Đổng Hiền cũng phải tự sát theo .

7. Lương Kí
Lương Kí sống tại thời Đông Hán (Năm 25—220 công nguyên), là một nhà buôn giàu nhất nhì kinh thành lúc bấy giờ. Sở dĩ Lương Kí làm ăn phát đạt là do có em gái làm hoàng hậu trong cung. Những sản phẩm mà Lương Kí buôn cũng đều nhận được sự hậu thuẫn và giúp đỡ rất nhiều từ người em gái này.

Mức độ giàu có của Lương Kí được ghi chép lại như sau: “ Sau khi hoàng đế băng hà, hoàng hậu mất quyền hành trong tay, Lương Kí không còn chỗ dựa và đã bị bắt. Khi tịch thu gia sản, người ta đã thu từ phủ của ông ta hàng tấn vàng, có khi nhiều hơn cả ngân khố của triều đình”. Sau này, Lương Kí cũng chết thảm nơi tối tăm của nhà lao.
Theo TN
Disqus Comments