Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an) phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an thành phố Cần Thơ cho biết, vừa tiến hành kiểm tra, khám xét nhà số C13, đường 11, khu dân cư Nông thổ sản, phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Tại đây, công an phát hiện và bắt giữ 13 người nước ngoài có dấu hiệu lừa đảo xuyên quốc gia bằng hình thức sử dụng công nghệ cao.
Nhóm người này gồm 11 nam và 2 nữ do Chen Wei Wen (sinh năm 1972, người Đài Loan) cầm đầu. Khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, nhóm này cố thủ, khóa chặt cửa. Công an đã phải dùng phương tiện kéo bung cửa chính bằng sắt; dùng búa phá cửa kính để vào nhà.
Căn nhà nơi Chen Wei Wen và đồng bọn thuê để lắp đặt thiết bị, chuẩn bị thực hiện hành vi lừa đảo
Vào được trong nhà, lực lượng chức năng gặp sự chống cự rất quyết liệt của nhóm người bên trong. Họ dùng hơi cay để tấn công lại công an, nhằm tẩu tán tang vật. Cuối cùng toàn bộ 13 người trong nhà đã bị bắt giữ.
Qua khám xét, cảnh sát thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo như: máy tính xách tay, điện thoại bàn, máy bộ đàm và 50 kịch bản giả giọng các cơ quan chức năng, công an, cảnh sát, ngân hàng nước ngoài…
Chen Wei Wen khai nhận, nhóm thuê căn nhà này hồi cuối tháng 7 với giá 20 triệu đồng một tháng, vừa lắp đặt xong hệ thống liên lạc quốc tế qua mạng Internet, nhưng chưa thực hiện được vụ lừa đảo nào thì bị phát hiện. Nếu tổ chức thành công, mỗi vụ cả nhóm được hưởng 60-80% trên tổng số tiền lừa đảo được.
Theo cơ quan điều tra, 13 người này nằm trong số 200 người của băng nhóm chuyên sử dụng công nghệ cao để lừa đảo xuyên quốc gia. Sau khi gần 100 người của băng nhóm này bị bắt tại TP HCM vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, một số tên đã tìm đến Cần Thơ thuê nhà, lắp đặt các phương tiện, thiết bị để tổ chức lừa đảo tiếp.
Hiện 13 người này đã được Công an thành phố Cần Thơ bàn giao cho Tổng cục An ninh 2 tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trước đó, đầu tháng 3, cơ quan an ninh phát hiện một số tên trong băng nhóm này vào Việt Nam qua đường hàng không tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Một số khác đi theo đường bộ biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam -Campuchia. Các nhóm này mướn những căn nhà nằm tại các vị trí hẻo lánh thuộc quận 12, quận 7, quận 8, TP HCM, rồi thuê đường truyền Internet tốc độ cao, sau đó, lắp đặt hệ thống liên lạc quốc tế qua giao thức VoiIP.
Khi lắp đặt hoàn chỉnh, cả băng chia ra thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm 8-10 tên, phụ trách một mảng khác nhau, hoạt động riêng biệt. Nạn nhân mà băng này thường nhắm đến để thực hiện hành vi lừa đảo là những người sống ở Trung Quốc hoặc Đài Loan, có nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng.
Hành vi của chúng là giả danh công an Trung Quốc hoặc cảnh sát Đài Loan, gọi điện thông báo cho nạn nhân biết là tài khoản của họ đã bị bọn tội phạm sử dụng để rửa tiền. Tiếp theo, băng này đề nghị "con mồi" bấm phím số 9 để trực tiếp liên lạc với công an Trung Quốc (hoặc Đài Loan), nơi đang trực tiếp thụ lý vụ việc. Thực chất đây là hệ thống điện thoại mà bọn chúng đã cài đặt sẵn nên khi bấm phím số 9 và thực hiện cuộc điện đàm, nạn nhân sẽ nghe thấy tiếng gõ bàn phím, tiếng gọi bộ đàm, tiếng người trao đổi với nhau về một vụ án nào đó. Tất cả những điều này khiến cho nạn nhân tin là mình đang gọi đến cơ quan công an thật.
Sau đó, bọn lừa đảo đề nghị nạn nhân chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản sang một tài khoản khác của công an (thực chất là tài khoản của chúng). Một thủ đoạn khác là chúng gọi điện cho nạn nhân thông báo rằng họ nợ tiền cước điện thoại quá hạn. Nếu không thanh toán sẽ bị khóa máy, đồng thời bị truy tố trước pháp luật.
Trường hợp nạn nhân trả lời rằng mình đã đóng tiền rồi, hoặc chỉ gọi rất ít thì sẽ được thông báo là máy của họ có hàng chục cuộc gọi ra nước ngoài. Tiếp theo, chúng đề nghị nạn nhân bấm phím số 9 để làm việc với cơ quan công an. Vẫn bằng hình thức dùng nền âm thanh giả, bọn lừa đảo đề nghị nạn nhân chuyển tiền từ tài khoản của mình vào tài khoản của chúng. Khi tiền đã được chuyển sang, ngay lập tức chúng rút hết. Bằng thủ đoạn này, băng nhóm tội phạm đã lừa đảo chiếm đoạt hàng triệu USD… của các nạn nhân tại nhiều quốc gia, lãnh thổ.
Ngày 28/6, cơ quan an ninh đã đồng loạt kiểm tra các căn nhà tại quận 12, quận 7, quận 8, mà bọn tội phạm này thuê mướn. Đến ngày 6/7, cơ quan chức năng bắt giữ tổng cộng 99 tên, gồm 76 người Đài Loan, 23 người Trung Quốc cùng toàn bộ tang vật gồm máy tính xách tay, modem, máy bộ đàm, các thiết bị chuyển đổi cuộc gọi từ Việt Nam thành cuộc gọi từ Đài Loan, Trung Quốc. Khi bị bắt, hầu hết bọn tội phạm đều khai rằng mình đi du lịch, đi làm thuê…
Tiến Thùy