3/8/10

Nhật tuyên chiến với mafia

Các tổ chức xã hội đen đã bám rễ và có vị thế vững chắc hàng trăm năm ở Nhật Bản, nhưng giờ đây cảnh sát đang quyết tâm quét sạch các băng nhóm khỏi đời sống xã hội. 
>>Nhật Bản một thoáng xa xưa
>>10 tổ chức mafia "khét tiếng" nhất thế giới
Một quan chức của hiệp hội Sumo Nhật Bản đứng trước các võ sĩ và xin lỗi khán giả vì các võ sĩ đã quan hệ với các băng nhóm tội phạm có tổ chức

Những bê bối gần đây liên quan đến việc các võ sĩ sumo đánh bạc bất hợp pháp hay việc các tay anh chị khét tiếng được ngồi ghế VIP trong các trận đấu quan trọng đã phủ một đám mây đen lên môn thể thao vốn được sùng kính. Tuy nhiên đó chỉ là việc vặt so với những gì đang khiến giới xã hội đen của Nhật - yakuza - đứng ngồi không yên.

Nhiều thập kỷ nay, cảnh sát cho phép các tổ chức tội phạm hoạt động tương đối tự do, từ tổ chức cá độ thể thao và các song bạc bất hợp pháp cho tới mại dâm. Giờ đây, lực lượng cảnh sát trên toàn quốc đang tấn công các băng đảng yakuza lớn nhất Nhật Bản. Động thái này có xuất phát điểm từ vụ bê bối sumo cũng như việc bổ nhiệm giám đốc mới của Cơ quan cảnh sát quốc gia (NPA) hồi năm ngoái, ông muốn loại bỏ ảnh hưởng sâu rộng của yakuza đối với xã hội.

"Chúng tôi muốn chúng biến mất khỏi xã hội", giám đốc Takaharu Ando phát biểu với các phóng viên ở Tokyo sau cuộc họp bàn bạc về chiến lược với các cảnh sát trưởng trên khắp Nhật Bản. Quyết tâm xử lý tội phạm có tổ chức của ông rất rõ ràng.

Khoảng một nửa trong số hơn 80.000 thành viên yakuza nằm trong liên minh Yamaguchi-gumi, có thể nói là tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới. Phe cầm đầu trong Yamaguchi-gumi là Kodokai. Băng nhóm có nguồn gốc từ Nagoya này chính là mục tiêu hàng đầu cần phá huỷ của đơn vị cảnh sát đặc biệt.
Các thành viên của yakuza không chỉ nổi tiếng với các hoạt động ngầm, mà còn cả những hình xăm trên toàn thân

Người ngoài rất khó hiểu được cách thức hoạt động công khai của các băng nhóm yakuza. Việc đăng ký thành viên được hoàn toàn hợp pháp. Các băng nhóm có trụ sở, được đăng ký trong danh bạ điện thoại và những băng mới thành lập tổ chức họp báo để thông báo logo và tên của mình.

Đổi lại, cảnh sát muốn các băng nhóm không gây án trên đường phố; cung cấp tin; thành viên nào phạm lỗi khiến thường dân bị thương hoặc chết thì phải nhận tội. Suy nghĩ của các nhà chức trách là tội phạm có tổ chức tốt hơn là tội phạm không có tổ chức. Ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

"Nhưng trong nhiều năm qua cảnh sát gặp rắc rối với Kodokai", Jake Adelstein, tác giả cuốn Tội phạm Tokyo: Nhà báo Mỹ viết về hoạt động của cảnh sát Nhật Bản, cho biết. "Thái độ đối lập của chúng đối với cảnh sát: chúng thu thập tin tức về cảnh sát, không cho phép nhân viên điều tra đến văn phòng, không nhận tội. Những điều đó đi ngược lại những luật bất thành văn vốn đã giúp yakuza tồn tại ở Nhật Bản".

Tại một cuộc hội thảo do Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và NPA tổ chức tại Seattle năm 2007 về tội phạm có tổ chức tại châu Á, Adelstein cho biết khi cảnh sát khám xét một văn phòng của Kodokai, họ tìm thấy ảnh các cảnh sát và gia đình họ. FBI không hiểu tại sao Kodokai không bị buộc tội, còn đại diện NPA tỏ ra lúng túng.

Sau khi Ando được bổ nhiệm, lực lượng cảnh sát tấn công các tổ chức tội phạm trên diện rộng, đóng cửa các công ty danh nghĩa, điều tra việc trốn thuế và thậm chí còn bắt giữ các thành viên yakuza vì những lỗi giao thông nhẹ.

Sau đó là cơ hội huỷ hoại tiếng tăm của băng nhóm này bằng việc tố cáo Kodokai với việc làm ô danh môn thể thao truyền thống sumo. Cảnh sát đã tiết lộ việc các võ sĩ tham gia cá độ bóng chày trong đường dây cờ bạc do Kodokai cầm đầu.

Cùng thời điểm với vụ võ sĩ sumo đánh bạc đưa đưa ra công luận, báo chí cho biết 55 thành viên Kodokai ngồi ghế VIP trong vòng đấu sumo tại Nagoya diễn ra mùa hè năm ngoái cũng xuất hiện trên truyền hình quốc gia. Một số người cho rằng việc này chỉ là ngẫu nhiên, nhưng những người khác đánh giá đây là sức ép buộc Hiệp hội sumo Nhật Bản chấm dứt các quan hệ mật thiết với yakuza.

Tuy thế, dù cảnh sát trưởng Ando đạt được nguyện vọng và các băng đảng biến mất hoàn toàn khỏi xã hội, việc loại bỏ những ảnh hưởng hậu trường của chúng vẫn là một thử thách. Một nguồn tin trong giới giải trí ở Tyokyo, nơi các trùm xã hội đen có những liên hệ mật thiết, cho biết sự hiện diện của các băng đảng ngày càng lớn mạnh.

"Có vẻ ngày càng xuất hiện nhiều những 'intelli yakuza' (những tay anh chị có đầu óc) ở hậu trường, tham gia bỏ vốn và quản lý nghệ sĩ. Rất nhiều trong số đó hoạt động trong những lĩnh vực 'tranh tối tranh sáng' nơi mà không rõ việc gì là hợp pháp, việc gì không. Không chỉ trong ngành giải trí mà còn trong những ngành khác nữa", nguồn tin nói.
Disqus Comments