Những người đang ở trong trạng thái bị thôi miên có các biểu hiện khá giống trẻ nhỏ: họ nghịch ngợm, giàu tưởng tượng và chịu làm theo những yêu cầu khá kỳ quặc.
Thực hành thôi miên
Mỗi nhà thôi miên có những phương pháp khác nhau, nhưng tất cả các phương pháp này đều có một vài điều kiện tiên quyết cơ bản:
+ Đối tượng phải tự nguyện và có ý muốn được thôi miên.
+ Đối tượng phải tin rằng mình có thể bị thôi miên.
+ Đối tượng phải hoàn toàn cảm thấy thư giãn và thoải mái.
Một khi những tiêu chuẩn này đã được đáp ứng, nhà thôi miên có thể sử dụng một số phương pháp khác nhau để dẫn dắt đối tượng vào trạng thái bị thôi miên. Những kỹ thuật thôi miên phổ biến nhất gồm:
Nhìn vào một điểm cố định - Ý tưởng cơ bản của phương pháp này là khiến cho đối tượng tập trung chú ý vào một điểm nào đó, làm cho họ phớt lờ các kích thích tố khác ở xung quanh. Khi đối tượng đã tập trung cao độ, nhà thôi miên sẽ “ru ngủ” anh ta bằng giọng nói nhỏ nhẹ, hướng anh ta đến trạng thái thả lỏng. Phương pháp này đã từng rất phổ biến vào thời kỳ đầu của thôi miên hiện đại, nhưng ngày nay nó ít được sử dụng vì không có hiệu quả với phần đông dân số.
Ra nhiều mệnh lệnh dồn dập - Phương pháp này chủ yếu đưa ra dồn dập những mệnh lệnh dứt khoát và đột ngột khiến ý thức “không kịp trở tay”. Đây là phương pháp được các nhà thôi miên ưa thích dùng để biểu diễn trên sân khấu, vì trong hoàn cảnh đứng trước đám đông khán giả, ý chí của đối tượng sẽ rất dễ bị tác động khiến họ tuân theo mệnh lệnh của nhà thôi miên một cách “ngoan ngoãn”.
Thư giãn và tưởng tượng - Đây là phương pháp thường được các nhà tâm thần học sử dụng.
Nhà thôi miên sẽ “dẫn dắt” đối tượng từ từ đi vào trạng thái bị thôi miên thông qua những lời nói nhẹ nhàng êm ái.
Làm mất thăng bằng - Ý tưởng của phương pháp này là làm cho đối tượng được thôi miên bị mất thăng bằng bằng chuyển động đu đưa nhịp nhàng; đây cũng là cách các bà mẹ ru con ngủ từ ngàn xưa.
Tùy thuộc vào cá tính cũng như trạng thái tinh thần của đối tượng lúc ấy mà quá trình thôi miên có thể kéo dài từ vài phút cho đến hơn nửa giờ đồng hồ.
Ứng dụng của thôi miên
Ứng dụng phổ biến nhất của thôi miên là để điều chỉnh các thói quen xấu như hút thuốc hoặc ăn quá nhiều. Các chuyên gia sẽ dùng thuật thôi miên để tiếp cận với tiềm thức và tác động đến thói quen này. Chẳng hạn với thói quen hút thuốc, nhà thôi miên sẽ nói với tiềm thức của bạn rằng thuốc lá là một thứ “ghê tởm”; nếu thành công, sau đó bạn sẽ cảm thấy khó chịu hoặc thậm chí buồn nôn nếu nghĩ đến thuốc lá. Tuy nhiên, khả năng tái phát thói quen cũ cũng khá cao.Thôi miên còn được ứng dụng trong ngành pháp y. Các chuyên gia dùng thôi miên để giúp nhân chứng nhớ lại những chi tiết trong một vụ án, từ đó có thể tìm ra nhân dạng của kẻ bị tình nghi hoặc bổ sung thêm các tình tiết quan trọng khác trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, do có khả năng nhân chứng có thể cung cấp ký ức sai nên kỹ thuật này cũng còn gây khá nhiều tranh cãi trong giới pháp y.
Một ứng dụng khác là dùng thôi miên trong y học. Các bác sĩ và tu sĩ ở nhiều nơi trên thế giới khẳng định rằng thôi miên có thể xoa dịu các cơn đau và chữa lành bệnh ở một số người. Từ ý tưởng cơ bản cho rằng cơ thể và tâm trí con người có sự gắn bó và quan hệ mật thiết với nhau, nên khi bạn tiếp cận với tiềm thức và bảo với “nó” rằng cơ thể bạn không cảm thấy đau đớn gì cả, hoặc cơ thể bạn hoàn toàn không mắc bệnh gì, thì tiềm thức sẽ “hành động” để thay đổi tình trạng trước đó của cơ thể. Đã có vô số giai thoại chứng minh cho ý tưởng này. Hàng ngàn phụ nữ đã nhờ vào phương pháp thôi miên mà có thể hạ sinh em bé một cách dễ dàng và ít đau đớn nhất. Rất nhiều các bệnh nhân ung thư đang trong quá trình hóa trị, nhờ có thôi miên mà cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Mặc dù phép chữa bệnh bằng thôi miên đã đạt được nhiều thành công không thể phủ nhận, song vẫn còn nhiều người hoài nghi tính hiệu quả của việc ứng dụng phương pháp đặc biệt này trong y học.
Đỗ Quyên (Tổng hợp)