1/8/10

Dùng chất thải san lấp mặt bằng

Sáng 31-7, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra và bắt quả tang đơn vị thi công công trình Nhà máy thép Pomina (Khu công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành) đã đổ một lượng lớn xỉ thép màu đen xám, ước tính lên đến 8.000 tấn để san lấp mặt bằng làm đường nội bộ.
>>Xuất hiện hố sâu rộng hơn 3 mét giữa ngã tư Phú Nhuận
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy công trình xây dựng Nhà máy thép Pomina đã xây xong khu văn phòng làm việc. Bên trong văn phòng có nhiều cán bộ của ban quản lý dự án đang làm việc.

Dùng chất thải rắn làm...vật liệu san lấp
Trong khuôn viên công trình đang xây dựng dở dang có hàng ngàn tấn xỉ thép đã được đổ trên một diện tích khá rộng. Đơn vị thi công dùng xe ủi san bằng rồi cho xe lu cán nền gần hoàn tất. Cụ thể, có bốn con đường đi trong khuôn viên nhà máy đã được lót bằng xỉ thép, phía bên trong vẫn còn hai đống xỉ thép lớn chưa được san ủi.
Đống xỉ thép được dùng san lấp mặt bằng để làm đường ở công trình Nhà máy thép Pomina

Điều tra ban đầu của đội 3 Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng đồn công an KCN Phú Mỹ (thuộc Công an huyện Tân Thành) cho thấy toàn bộ số xỉ thép trên được chở từ nhà máy của Công ty cổ phần thép Thép Việt (cũng đóng trong KCN Phú Mỹ I). Theo ông Lê Hữu Tuấn - đại diện DNTN Việt Trang (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu), đơn vị ông nhận thi công trực tiếp công trình này và là thầu phụ của Công ty Kim Nguơn (TP Vũng Tàu). Theo hợp đồng, đơn vị của ông nhận vận chuyển và san ủi số xỉ thép trên với giá 33.000 đồng/m3.

Làm việc với PC49, ông Tuấn đã xuất trình trên 400 phiếu xuất kho xỉ thép từ nhà máy của Công ty cổ phần thép Thép Việt. Qua tổng hợp các phiếu này, số xỉ thép được xuất kho khoảng 8.000 tấn (tương đương 4.000m3). Ông Lê Hữu Tuấn khai nhận toàn bộ số xỉ thép trên đã được đơn vị ông san lấp mặt bằng trên tổng diện tích khoảng 7.000m2 của Nhà máy thép Pomina. Sau khi san ủi lớp xỉ thép này, đơn vị thi công sẽ trải một lớp đá bên trên, nếu không phát hiện kịp thời khối lượng xỉ thép trên sẽ bị giấu kín trong lòng đất.

Không hợp tác với công an
Sau khi phát hiện vụ việc, cơ quan công an tiến hành đo đạc hiện trường, khai quật một số điểm đã san lấp để lập hồ sơ ban đầu. Qua kiểm tra, các cán bộ PC49 ghi nhận trên 4.000m3 xỉ thép đã được san lấp tại bốn vị trí của dự án gồm đường nội bộ chính, đường phía trước và phía sau văn phòng Nhà máy thép Pomina, đường từ cổng đi vào khuôn viên công ty với tổng chiều dài các tuyến đường gần 600m, chiều rộng mặt đường từ 6-12m và độ dày của lớp xỉ là 0,2-0,4m.

Điều đáng nói, khi cơ quan công an đang kiểm tra hiện trường, một người là đại diện của chủ đầu tư đã có thái độ bất hợp tác, cản trở tổ công tác. Thậm chí người này còn đòi... lập biên bản về hoạt động của tổ công tác!? Mặc dù được cơ quan công an mời làm việc, chứng kiến việc đo đạc, khai quật hiện trường nhưng đại diện chủ đầu tư vẫn không chấp nhận. Trung tá Bùi Văn Quý, đội trưởng đội 3, cho biết: “Sau khi lập biên bản vi phạm quả tang, chúng tôi sẽ gửi thư mời các bên liên quan gồm Công ty Kim Nguơn, Công ty thép Pomina và Công ty cổ phần thép Thép Việt lên PC49 làm việc vào ngày 2-8. Nếu họ vẫn tiếp tục không hợp tác, chúng tôi sẽ có kiến nghị cấp trên xử lý theo luật định”.

Cho không xỉ thép
Trung tá Quý còn cho biết đây không phải là lần đầu tiên PC49 phát hiện việc vi phạm về quản lý, sử dụng chất thải rắn phát sinh từ quá trình luyện thép của Công ty cổ phần thép Thép Việt. Trước đó, sáng 9-2-2009, PC49 cũng đã phối hợp với Phòng tài nguyên môi trường huyện Tân Thành kiểm tra, bắt giữ và lập biên bản quả tang ba xe tải đang đổ xỉ thép trong khuôn viên một ngôi chùa tại thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành). Qua điều tra, bà Nguyễn Thị T., chủ của ba chiếc xe trên, cho biết bà được chùa thuê san lấp mặt bằng bên trong chùa. Để có vật liệu san lấp, bà T. đã liên hệ với Công ty cổ phần thép Thép Việt và được công ty cho không xỉ thép. Tổng cộng bà T. đã đổ khoảng 90 tấn xỉ thép.

Trung tá Bùi Văn Quý thông tin thêm hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có nơi xử lý xỉ thép, vì vậy trước mắt UBND tỉnh cho các nhà máy thép tự lưu giữ xỉ thép thải ra. Tuy nhiên, việc lưu giữ phải thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước. Còn theo nghị định 59 của Chính phủ, xỉ thép phải được chôn lấp đúng quy định, hợp vệ sinh, đặc biệt không được dùng làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng. Theo một chuyên gia về môi trường, xỉ thép có thể biến đổi, biến dạng theo môi trường tự nhiên. Vì vậy nếu việc quản lý, xử lý xỉ thép không đúng quy trình sẽ có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường.

Sau khi kiểm tra, chiều cùng ngày cơ quan công an đã lập biên bản yêu cầu đơn vị thi công ngưng ngay việc vận chuyển xỉ thép từ Nhà máy thép Thép Việt về làm đường nội bộ và san lấp mặt bằng trong khuôn viên Nhà máy thép Pomina. Đồng thời buộc chủ đầu tư, đơn vị thi công giữ nguyên hiện trường chờ cơ quan chức năng xử lý các bước tiếp theo.
Hàng trăm tấn xỉ thép mỗi ngày
Theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, xỉ thép là chất thải rắn công nghiệp và không được dùng để làm vật liệu san lấp. Hiện tại chỉ tính nhà máy của Công ty cổ phần thép Thép Việt và Thép miền Nam (cùng đóng tại KCN Phú Mỹ I) mỗi ngày đã thải ra hàng trăm tấn xỉ thép. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp

Bà Rịa - Vũng Tàu, phần lớn các nhà máy thép ở Tân Thành hiện đang tập kết chất thải rắn trong khuôn viên, chờ xử lý nhưng không có biện pháp che chắn, bảo quản. Đây là nguồn gây ô nhiễm do tác động của nước mưa, ôxit hóa nếu không có biện pháp ngăn ngừa. Hiện một số nhà máy do tình trạng lưu giữ quá tải đã lén lút bán hoặc cho không xỉ thép cho một số doanh nghiệp san lấp mặt bằng. Thậm chí có nhà máy không chỉ cho không mà còn trả cả tiền vận chuyển cho người xin xỉ thép.
Disqus Comments