9/7/10

Viện phí sẽ tăng 7 - 10 lần?

Bộ Y tế vừa công bố dự thảo Hướng dẫn thanh toán theo viện phí mới, tăng rất cao so với hiện nay, chẳng hạn tiền khám tăng 10 lần, tiền giường bệnh tăng 8 lần...

Theo bảng viện phí mới, giá khám bệnh lâm sàng từ 3.000 đồng lên 30.000 đồng; giường bệnh (chưa tính sử dụng máy thở) tăng từ 12.000 đồng (tối thiểu), 18.000 đồng (tối đa) lên 100.000 - 120.000 đồng mỗi ngày.

Ngoài ra, giá phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa như nắn trật khớp háng, bó bột tay (chân) đều tăng thêm ít nhất 100.000 đồng một lần. Mổ quặm hai mi tăng từ 20.000 đồng (tối thiểu), 30.000 đồng (tối đa) lên 400.000 - 450.000 đồng một lần, trích rạch áp - xe amidan từ 30.000 đồng lần lên 400.000 đồng một lần; chọc rửa xoang hàm từ 15.000 đồng lên 250.000 đồng một lần...

Mức tăng viện phí này có thể làm nhiều người dân giật mình, lo lắng về khả năng chi trả khi có bệnh. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhận định, việc thay đổi giá viện phí vốn đã lỗi thời, quá thấp so với chi phí thực tế là cần thiết, nhưng phải cân nhắc và tăng có lộ trình phù hợp để không ảnh hưởng nhiều người bệnh và gia đình họ. "Cũng phải cân nhắc đến khả năng chi trả của BHYT. Quỹ BHYT nhiều năm vẫn đang ở tình trạng bội chi nên cũng cần tính toán cụ thể và sự giúp đỡ của Nhà nước mới đủ sức gánh tiếp", ông Thảo nói.
Số tiền người bệnh phải chi trả sắp tới có thể tăng cao. Ảnh minh họa: Đức Hiệp.

Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất tăng cả giá thẻ BHYT lên khoảng 40% mức hiện nay thì mới đủ bù lỗ cho Quỹ BHYT. Bảo hiểm Xã hội từng nhận được ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng, luồng tiền từ ngân sách vẫn dành cấp cho các bệnh viện mỗi năm nên chuyển sang cho người tham gia bảo hiểm y tế. Có như vậy thì việc tăng viện phí mới không còn là gánh nặng cho người bệnh.

Song đối tượng lo lắng nhất hiện nay về việc viện phí tăng cao có lẽ là người tham gia BHYT tự nguyện, phải cùng chi trả 20% viện phí. Theo thống kê của cơ quan bảo hiểm, khoảng 40% nhóm đối tượng này, trong đó 25% là người lao động tự do, nông dân, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Theo ông Thảo, Bảo hiểm xã hội sẽ kiến nghị với Nhà nước có chính sách hỗ trợ 20% chi phí tham gia BHYT (khoảng 100.000 đồng một người mỗi năm) cho nhóm đối tượng này.

Ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, cho hay, Bộ Tài chính đang xem xét các mức viện phí mới đề xuất này. Dự kiến đầu tuần tới, Bộ Y tế đăng tải công khai toàn bộ Hướng dẫn thực hiện viện phí mới để lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, bệnh viện và người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh bởi 62% dân số Việt Nam có thẻ BHYT, sẽ được cơ quan bảo hiểm bù đắp. Những đối tượng khó khăn đã được nhà nước cấp hoặc hỗ trợ mua thẻ (như học sinh - sinh viên, trẻ dưới sáu tuổi, người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội...). Còn các đối tượng khác không bị tác động nhiều vì họ sẵn sàng chi trả tất cả chi phí khi vào viện.
Theo Hướng dẫn thực hiện thu một phần viện phí của Bộ Y tế, khung giá sửa đổi lần này chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất xét nghiệm, điện, nước… mà chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo và trang thiết bị có giá trị lớn. Mức thu ngày giường điều trị nội trú, điều trị ban ngày được xây dựng trên cơ sở các chi phí cần thiết để chăm sóc người bệnh như điện, nước, nhiên liệu, chăn, ga, vệ sinh, xử lý chất thải… Ngoài ra, Bộ Y tế kiến nghị bổ sung việc thu một phần viện phí ở tuyến xã. Mức giá dịch vụ sẽ được tính theo mức tối thiểu của khung giá đã được ban hành. Viện phí thu được (kể cả do BHXH thanh toán) sẽ được để lại toàn bộ cho trạm y tế sử dụng.
Theo Đất Việt
Disqus Comments