31/7/10

Vai trò của chính quyền trong vụ bạo động ở Bắc Giang?

Dư luận tiếp tục chú ý đến vụ thanh niên 21 tuổi Nguyễn Văn Khương bị đột tử sau khi bị công an ở Bắc Giang bắt về đồn, gây ra cuộc tụ họp phản đối lớn tại địa phương.
AUDIO phỏng vấn GS Tương Lai đánh giá về vai trog của chính quyền trong vụ bạo động ở Bắc Giang
>>Nhìn lại và đánh giá toàn cảnh vụ bạo loạn ở Bắc Giang (1)
>>Bạo động ở Bắc Giang sau khi công an đánh chết một người không mang mũ bảo hiểm
>>Hàng nghìn dân kéo lên UBND Bắc Giang
Giáo sư xã hội học Tương Lai từ TP Hồ Chí Minh nhận định chính quyền địa phương đã không biết cách xử lý thấu đáo, dám nhìn thẳng giải quyết vụ việc.

Theo ông, chừng nào giới chức chưa xử lý những bức xúc của người dân một cách hợp tình hợp lý, chừng đó những phẫn nộ trong dân vẫn tiếp tục bùng phát.

GS Tương Lai: Dân thì bao giờ cũng chỉ muốn sống một cách yên bình. Không bao giờ người ta muốn làm gì chống đối chính quyền của mình cả. Nhưng khi xảy ra những sự kiện, ví dụ sự kiện vừa rồi ở Bắc Giang, khi anh Khương bị chết một cách tức tưởi như thế, gia đình phải đưa đi khiếu kiện, từ đó tập hợp đông người đi theo, gây ra những cái lộn xộn.
GS Tương Lai nói phản ứng của người dân Bắc Giang là điều dễ hiểu

Thực ra cái điều này là thông qua báo đài, chủ yếu là báo đài ở nước ngoài và những cái blog cá nhân mà người ta nêu lên. Điều ấy nói lên sự quan tâm đối với những hiện tượng xã hội. Để những cái này xảy ra thì nó nói lên rằng an ninh xã hội có vấn đề.

Khi mà người dân cảm thấy cuộc sống của họ có những bê bối, những cái bức xúc mà không được giải quyết một cách có lý có tình thì nó đẩy tới những sự kiện như thế thôi.
Hàng ngàn người dân đã bao vây UBND tỉnh Bắc Giang để phản đối

Và người lãnh đạo khôn ngoan thì phải làm sao xử lý vụ này một cách êm đẹp, phải biết chặn tận gốc nguyên nhân đẩy tới sự bất bình, kéo đến những cuộc tạm gọi là khiếu kiện đông người. Trong cái tâm lý đám đông, chỉ cần một mồi lửa là có thể bùng lên ngọn lửa.

Nếu người cầm quyền có thái độ đứng đắn, thực sự cầu thị, giải quyết những bức xúc của dân thì sẽ không có những chuyện đó xảy ra. Còn nếu để địa phương nào có xử lý không hợp tình hợp lý, gây phẫn nộ nhân dân, thì dân họ phản ứng trở lại, đó là chuyện dễ hiểu.

BBC: Ông có nói tới việc nhận được những thông tin từ những luồng mà trong nước tạm gọi là ‘lề trái’. Vậy chắc sự phản ánh của báo chí chính thống trong nước không làm hài lòng những người muốn biết thông tin?

GS Tương Lai: Đúng như vậy. Báo chí phải là tiếng nói trung thực. Và chuyện bưng bít thông tin thì trong thời đại bùng nổ thông tin này mà bưng bít, báo chí trong nước không nói đến, người ta phải đi tìm những luồng thông tin khác. Mà bây giờ thì làm sao mà ngăn chặn những luồng thông tin được?

Càng bưng bít thông tin thì càng gây nên bất ổn trong tâm trạng xã hội. Trong xã hội khi trình độ nhận thức của người dân như hiện nay thì cái kiểu bưng bít thông tin như thế là không ổn.

Vừa rồi có một sự kiện rất nhỏ, ông Tổng thống Hàn Quốc gửi lời chia buồn với người Việt Nam về sự kiện cô dâu người Việt chết trên đất Hàn. Trong lời chia buồn đó, ông ấy nói rằng chuyện này thể hiện sự thiếu trưởng thành về mặt văn hóa. Cách nhìn như thế là rất thỏa đáng để giúp làm yên lòng những dư luận xã hội.

Còn nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật, mà bưng bít, thì càng đẩy tới những bức xúc xã hội và đó là điều không khôn ngoan trong giải quyết tình huống.

BBC: Ông có nghiên cứu về cuộc bạo động ở Thái Bình năm 1997, theo ông, có những nét tương đồng nào trong vụ việc mới rồi không, và chính quyền có rút ra kinh nghiệm gì từ cách xử lý hồi đó không?

GS Tương Lai: Tôi thấy bao giờ người dân cũng chỉ muốn sống yên bình. Nếu xảy ra sự kiện nào đó, nếu chính quyền địa phương biết cách lý giải một cách hợp tình dựa trên luật pháp nghiêm minh, thì nhất định không đẩy tới những sự kiện bùng nổ.

Nhưng nếu như không được giải quyết, đẩy tới những cái tích tiểu thành đại, tức nước vỡ bờ, nó sẽ đẩy ra thành những sự kiện xã hội thôi.
Cảnh sát chống bạo động phải ra tay

Sự kiện Thái Bình trước đây cũng chỉ như vậy thôi. Từ những chuyện điện đường trường trạm, từ những chuyện dân đã phát hiện có cái không ổn, mà người ta không giải quyết thấu đáo, để cho sự kiện xã hội bùng lên. Như thế, xử lý một cách thỏa đáng là đi tìm nguyên nhân một cách khách quan và trung thực.

Nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật mà giải quyết, lại tìm cách bưng bít, tìm cách đối phó không đúng, không thể đẩy tới những chuyện ổn định xã hội như mong muốn được.

Vì vậy, khi để người dân bất bình, bùng lên bột phát - mà trong bột phát không tránh khỏi những cái cực đoan - thì người cầm quyền khôn ngoan không nên để những chuyện đó xảy ra. Pháp luật phải thật nghiêm minh, để người dân có thể dựa vào pháp luật bảo vệ cuộc sống của mình. Trong trường hợp đó, sẽ không thể có những bạo động theo kiểu như vừa rồi được.
Disqus Comments