6/7/10

Hãi hùng “công nghệ” trồng rau muống

Điều mà chúng tôi thật sự hãi hùng là để có rau muống non mơn mởn, cọng dài trong thời gian ngắn, người trồng rau đã sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng một cách dồn dập, vô tội vạ.
>>Kinh hoàng chợ thịt ế giữa Thủ đô: Chợ thịt ế mọc giữa đất vô chủ?
>>Kinh hoàng công nghệ chế biến dầu ăn (I)
Viên "độc" là thuốc gì?

Tôi tiếp tục theo H. đi tìm nguồn cung cấp thuốc. Nơi đầu tiên đến là một cửa hàng vật tư nông nghiệp được che bằng tôn khá tạm bợ ở P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM. Ở đây thuốc các loại bày la liệt trên kệ gỗ, người mua cứ việc lựa chọn thoải mái. Chọn cho mình 4 loại thuốc ngoài bao bì ghi công dụng rất kêu: mềm cọng, trắng cọng, mập cọng, đẹp lá... xong, H. nói với chủ đại lý: "Cho viên độc". "Hôm nay chỉ còn độc nhì thôi, độc nhất hút hàng quá nên hết từ hôm qua rồi" - chủ đại lý trả lời. Sau cái gật đầu của H., chủ đại lý đưa cho H. hai viên được bọc trong gói giấy giống như viên thuốc giảm đau. "Dân làm rau ghiền loại này lắm, nếu rau đắt thì chỉ 10 ngày là có một lứa rau thu hoạch, nhưng phải biết cách kích bề ngang ngay từ gốc, nếu không biết cách chăm, rau tăng trưởng rất nhanh nhưng gầy rất khó bán" - H. khoe.
Phun thuốc vào rau muống

Về đến ruộng, H. bỏ vào thùng một gói có chữ: mềm cọng, mập cọng, trắng cọng, và đẹp lá rồi bỏ thêm ½ viên "độc" vào thùng rồi chế nước. Lấy ca khuấy cho tan thuốc, cứ thế H. múc nước trong thùng tưới đều lên ruộng rau.

Theo H., trên thị trường hiện nay có hai loại viên "độc". "Độc" nhất giá 23 ngàn đồng/viên, viên "độc" nhì 17 ngàn đồng/viên. Dân làm rau sử dụng viên "độc" cùng với thuốc "mo" nhiều nhất là vào mùa mưa và mùa lạnh, bởi mùa mưa rau khó lên và thường là rau xấu. Nếu dùng thuốc, rau sẽ khỏe "chịu thiên tai" hơn rau bình thường. Ngoài ra, việc sử dụng viên "độc" này còn phụ thuộc vào thị trường rau đắt hay rẻ. Nếu rẻ họ không phun để kìm rau lại, bởi nếu đã phun, sau 3 ngày mà không thu hoạch kịp thì phần ngọn sẽ cuốn lại (còn gọi là von) rau sẽ không bán được. Ngược lại, nếu rau đắt người trồng rau sẽ tăng cường phun mỗi ngày 1 lần để rau "tăng tốc", thậm chí rau bào sẽ được phun ngày 2 lần.

Đáng lưu ý, người dân sử dụng một loại thuốc để "đánh" lá vàng. Theo họ, khi phun loại thuốc này vào rau trước khi thu hoạch 2 ngày, thì khi thu hoạch toàn bộ lá vàng sẽ tự động rụng hết. Tận mắt chứng kiến, ghi hình loại thuốc mà người dân sử dụng để "đánh" lá vàng là thuốc dạng chai, không nhãn mác. Hỏi tên thuốc thì họ không biết và chỉ "cứ ra đại lý hỏi mua thuốc đánh lá vàng là họ bán". Theo lời, tôi ra đại lý hỏi mua "thuốc đánh lá vàng", thì được bán cho một chai thuốc trị nấm, và hướng dẫn "khi sử dụng cho rau, phải cách ly 14 ngày trước khi thu hoạch" (!)
Các công đoạn “đánh” thuốc trước ngày thu hoạch

Tìm hiểu xem viên "độc" là thuốc gì, hôm sau tôi đến đại lý mà H. mua viên "độc". Chủ đại lý tay đưa thuốc, tay lấy tiền rất niềm nở. Viên độc đó có tên ProGibb T98, xuất xứ từ Mỹ, có ghi thành phần hoạt chất là Gibberellic acid 1g 96%, ngoài ra không thấy ghi hướng dẫn sử dụng, không có tên công ty nào nhập vào VN.

Dùng thuốc vô tội vạ

Làng rau ở Bình Mỹ (xã Bình Mỹ, H. Củ Chi, TP.HCM) có khoảng 500 hộ. Mỗi hộ làm rau có từ 5 đến 15 công ruộng. Người làm rau đa phần đều từ một số tỉnh ở miền Bắc vào thuê ruộng của dân địa phương trồng rau muống. Tìm hiểu nơi tiêu thụ, thì được biết, làng rau Bình Mỹ được xem là nguồn cung cấp chủ lực rau muống ra thị trường. Tại chợ sỉ rau muống ở ấp 7 vào 19 đến 24 giờ hằng đêm, hàng trăm xe ba gác rau, xe Honda đầy ngút rau muống chạy ầm ầm vào chợ, xuống hàng rồi lại chất lên xe ô tô biển số thành phố và các tỉnh lân cận (xa nhất là xe mang biển số tỉnh Cần Thơ đến lấy sỉ), mỗi xe tải chở được khoảng 7 tấn rau muống/lần, cứ hết xe này đi, xe khác đến lượt vào xếp rau. Từ các lái buôn cho biết, mỗi đêm chợ ấp 7 cung cấp ra thị trường tiêu thụ hàng trăm tấn rau muống.

Khi đến đồng rau ở ấp 6, tôi thấy cảnh người phun thuốc, phụt thuốc rất đông. Những loại thuốc dưỡng cây, nở cọng, trắng cọng, tốt lá... người dân sử dụng không theo quy định nào. Nhìn những gói thuốc mà người dân sử dụng, gói nào trên bao bì cũng đều in đậm và rất bắt mắt những từ: siêu vượt, tốt lá, trắng cọng, mềm cọng... Người trồng rau ở đây sử dụng thuốc tùy theo ý thích, không theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Có nghĩa thích loại thuốc nào thì mua về pha với nước rồi phun lên rau, họ chỉ quan tâm làm sao cho rau đẹp, tốt và nhanh thu hoạch!

Trong quá trình thâm nhập làng rau, đi đến đâu PV cũng nghe người dân bàn tán có một loại thuốc mà họ thường gọi là "mo" được dân làm rau rất ghiền từ nhiều năm nay. Theo lời họ nói thì công dụng khác hẳn với các thuốc khác, thuốc "mo" kéo dài cọng hơn bình thường. Nếu "đánh" thuốc "mo" trước khi thu hoạch 2 đến 3 ngày thì cọng rau dài, trắng và rất mởn, đặc biệt khi vận chuyển lá rau không bị dập bởi thuốc mo làm lá rau dẻo, tăng trưởng lại rất đều.

Để chứng minh công dụng vượt bậc của loại thuốc này, S. có thâm niên trồng rau muống ở ấp 6, xã Bình Mỹ kéo tôi ra nơi chứa thuốc "mo" cách chòi khoảng 30m. "Vì đây là thuốc cấm nên tụi em không dám để ở chòi vì sợ bị bắt" - S. thật thà kể. Vạch mấy bao tải lộ ra một thùng gỗ nhỏ, thò tay lấy ra một chai (gần giống chai bia Sài Gòn loại nhỏ), xách theo "bộ đồ nghề" ra ruộng rau. S. đổ vào thùng vài chục CC, rồi cho thêm vào đó nửa gói muối, múc nước khuấy đều, sau đó xịt đều lên mảnh ruộng rau mà ngày hôm sau đến lịch thu hoạch.
Sáng hôm sau tôi đến mảnh ruộng hôm trước cùng S. xịt thuốc "mo". Quả nhiên so sánh giữa hai mảnh ruộng liền kề, phần ruộng được xịt thuốc "mo", rau trắng ngần, non mởn rất bắt mắt; khác biệt rất xa so với rau ở mảnh ruộng không được xịt thuốc "mo". Bán tín bán nghi, và do phần chai có toàn chữ Trung Quốc, không tên công ty sản xuất và nhà phân phối nên tôi mang vỏ chai đi dịch ra tiếng Việt. Khi dịch ra mới biết thuốc "mo" có tên gọi là "Bá vương diệt côn trùng", nơi sản xuất là một công ty TNHH ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Loại thuốc này là chất diệt côn trùng cực mạnh, và còn có tác dụng đuổi chuột rất hiệu quả. Nhà sản xuất chỉ cho phép sử dụng loại thuốc này ở cây bông để trị rầy bông và sâu bông. Hướng dẫn cũng cho biết: tránh sử dụng ở những vùng nhạy cảm có ong mật, sinh vật thủy sinh và các loại cây trồng...
Theo một chuyên viên của Cục Bảo vệ thực vật, chất a-xít Gibberellic (còn gọi là Gibberellin A3, GA, GA3) là một a-xít cacboxylic, đồng thời là hoóc-môn tìm thấy trong thực vật. Đây là hoạt chất kích thích tăng trưởng có trong danh mục thuốc sử dụng ở Việt Nam, thuộc nhóm độc 3 (ít độc). Nó tác động tới sự phân hủy của thực vật và hỗ trợ thực vật lớn nhanh nếu sử dụng với liều lượng nhỏ. Do các GA điều chỉnh sự phát triển của thực vật, nên các ứng dụng với nồng độ rất thấp. Thông thường được dùng ở nồng độ khoảng 0,01-10 mg/L có thể có hiệu quả sâu rộng trong khi quá nhiều thì lại có tác động ngược lại.

Cụ thể, nó có thể có tác động như là một chất gây kích thích dị ứng đối với mắt (R36). Liều gây tử vong đối với 50% mẫu chuột cống thử nghiệm bằng đường miệng là 6.300 mg/kg. Theo điều tra của Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, viên sủi GA3 mà nông dân thường sử dụng là một trong những sản phẩm ngoài danh mục đăng ký.

Hiện danh mục được phép sử dụng ở VN đã có 32 tên thương mại của hoạt chất Gibberellic acid, có hướng dẫn sử dụng cụ thể về liều lượng, thời gian sử dụng, đối tượng cây trồng nhưng đa số bà con nông dân hiện nay không mua thuốc đó mà lại ham rẻ, mua thuốc ngoài luồng, thuốc trôi nổi và sử dụng không đúng quy cách, liều lượng.
Disqus Comments