28/7/10

Dở khóc dở cười với luật tục ở làng

Làng quê Việt Nam đã có nhiều đổi thay, phát triển. Tuy nhiên, sau luỹ tre làng vẫn còn rất nhiều những luật tục lạ lùng, rối rắm… làm nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười.

Cỗ bàn bày la liệt đến 400 mâm, khách khứa đông nghìn nghịt mấy nghìn người là những hình ảnh không lạ ở những vùng quê nổi tiếng "cỗ to so đẳng cấp". Thế nhưng đằng sau những chữ song hỷ tươi rói là không ít những khuôn mặt héo hon của các bậc cha mẹ khi một khoản nợ khổng lồ đang nặng trĩu trên vai.

Bày cỗ cả trăm triệu
Dù còn đến 20 ngày nữa mới tổ chức hôn lễ nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Lương ở xóm Tháp Phượng, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã phải đôn đáo chuẩn bị cỗ bàn và nơi ăn uống cho gần 3.000 khách mời.
Mỗi đám cưới ở Cát Quế làm đến hàng trăm mâm cỗ.

Theo dự kiến, ngày 1-7 âm lịch, gia đình chị sẽ làm khoảng 100 mâm mời riêng họ hàng và láng giềng gần gũi. Ngày hôm sau đám chính thì sẽ làm tiếp 250 mâm để mời khách khứa khắp nơi.

Vừa đôn đáo chỉ huy mấy người thợ lợp mái cho dãy nhà mới xây để làm nơi ăn cỗ, bà Khoa - mẹ chị Lương - vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi:

"Cưới cô út này là còn làm ít cỗ đấy. Phong tục quê tôi là cứ phải làm cỗ to để con cái được mở mày mở mặt. Tôi có 4 đứa con thì 3 đứa đầu cưới đều làm trên 400 mâm cả. Tổ chức cưới xin thì cũng vất vả lắm nhưng vì hạnh phúc của các con nên tôi cũng phải cố gắng. Giờ chỉ tính trung bình mỗi mâm cỗ 300 nghìn đồng thì tổng chi phí cho cỗ bàn cũng đã lên đến hơn trăm triệu rồi. Với những nhà không có sẵn tiền trong nhà thì việc bán đi một miếng đất để tổ chức đám cưới cho con là chuyện bình thường".

Đây là lần thứ 4 tổ chức đám cưới cho con nên bà Khoa cũng gặp nhiều túng bấn. Để giảm thiểu chi phí trong việc cỗ bàn, bà phải nuôi sẵn lợn, gà từ đầu năm, cau cũng hái từ cây nhà phơi khô cất đi để dành cho đại sự.

Nợ nần vì cưới
Không có được điều kiện kinh tế khá giả như nhà bà Khoa, bà Nguyễn Thị Liên ở xóm Đồng Trong, xã Cát Quế nhiều năm nay phải nuôi chồng bị thần kinh. Cả nhà bà 6 miệng ăn đều trông chờ vào công việc bán mỳ thuê của bà.

Hàng ngày cứ 4 giờ sáng là bà Liên đã dậy chất 200kg cả mỳ khô và đường gói lên chiếc xe cải tiến rồi kéo bộ 15 cây số ra Đăm để giao cho các cửa hàng. Kinh tế eo hẹp nên khi các con đến tuổi gả vợ, gả chồng là bà Liên lo lắng mất ăn mất ngủ. Không thể để các con vì nghèo mà muộn duyên, bà Liên cũng vay mượn khắp nơi làm 150 mâm cỗ mời ngót nghét nghìn người đến mừng duyên cho con cái.

Tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, Hà Nội, việc tổ chức đám ma lại linh đình bằng 3 đám cưới. Nói đám ma bằng 3 đám cưới vì đám cưới chỉ ăn một lần mấy trăm mâm là xong nhưng đám ma thì cũng số lượng cỗ bàn như vậy nhưng nhiều nhà ăn 4 - 5 lần vào các ngày an táng, 50 ngày, giỗ đầu, giỗ hết, bốc mả...

Bà Liên nhớ lại: "Nhà mình nghèo thật nhưng mâm cỗ cũng phải đủ 2 tái, lòng, xương (2 đĩa thịt lợn luộc, 1 đĩa lòng dồi, 1 đĩa xương). Năm 1994, tổ chức đám cưới cho đứa con đầu tôi mổ 4 con lợn. Đứa con trai thứ 2 tôi mổ 6 con lợn, đứa thứ 3 mổ đến 10 con lợn nhưng đều phải đi vay cả. Cưới xong thì tôi và các con lại quần quật làm lụng để trả nợ nần. Nói thật là ngày đó còn cố mà tổ chức đám cưới cho con được chứ bây giờ thì chịu, không làm nổi. Giờ nhà nghèo mà không có 50 triệu đồng trong tay thì đừng mong cưới vợ, cưới chồng".

Cùng chung cảnh ngộ như nhà bà Liên, bà Nguyễn Thị Đức ở cùng xóm cũng chật vật mới lo được đám cưới cho 3 người con. Trung bình mỗi đám 250 mâm, sau 3 lần cưới con, bà phải ngày ngày tần tảo với quán nước mía đầu đê để trang trải gần 30 triệu nợ nần vì hỉ sự. Bà Đức tâm sự: "Phải làm to mời đông vì cưới con họ đều mời mình, cưới con mình không mời sao được. Đứa con nào nhà tôi cũng phải tổ chức ăn 2 ngày mới xong. Tôi coi đó như là cái nợ đồng lần phải trả khi sống trong làng, trong xóm".

Trao đổi với phóng viên xung quanh hiện tượng này, ông Phạm Hợp - cán bộ văn hóa xã Cát Quế - cho biết: "Ngày xưa làng tôi cưới xin vô cùng giản tiện. Nhà nào cưới con chỉ cần mang quả cau lá trầu đến các nhà trong làng báo hỉ là xong, cũng chẳng có cỗ bàn gì cả. Thế rồi không hiểu từ bao giờ, người làng đua nhau tổ chức đám cưới linh đình và dần thành lệ. Đám nào cũng phải ăn 2 ngày với mấy trăm mâm và hàng ngàn khách.
Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã đã đứng ra tổ chức đám cưới cho 1 cán bộ đài truyền thanh xã chỉ vỏn vẹn trong 24 giờ và vận động bà con làm theo nhưng thực sự đến giờ vẫn chưa thực hiện triệt để được. Những gia đình đông họ hàng, anh em, có quan hệ rộng thì vẫn làm đến trên 300 mâm. Hiện tại chúng tôi vẫn đang cố gắng tuyên truyền, vận động bà con cưới xin tiết kiệm, thậm chí khuyến khích không mặc áo cưới, chỉ mặc áo dài truyền thống cho giản tiện nhưng hiệu quả chắc rằng không thể có ngay trong ngày một ngày hai".
Theo Dân Việt
Disqus Comments