Nhìn xuyên màn đêm
Khả năng của chị được Trung tâm UIA và Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người khảo nghiệm. Dù mắt có được bịt, được dán keo đến nỗi bóc ra không còn chiếc lông mi nào thì chị vẫn đọc được chữ bình thường, nhìn thấy mọi cảnh vật bình thường.
Năm 2006, tại Báo KH&ĐS, khảo nghiệm khoa học cũng được tiến hành với chị trước sự chứng kiến của khoảng 20 cơ quan báo đài, truyền hình. Chị Thiêm được bịt kín mắt nhưng vẫn đi lại trong tòa soạn bình thường mà không bị vấp ngã. Chị quay số điện thoại của chính các phóng viên ghi ra mẩu giấy đưa cho chị. Không nhìn bằng mắt nhưng chị vẫn bấm đúng số khiến điện thoại của phóng viên reo vang.
Năm 2007, thông tin ở Việt Nam có người phụ nữ nhìn bằng trán truyền sang tận Nhật Bản. Đài Truyền hình Nhật Bản đã về khảo nghiệm chị 3 lần 1 lần tại Trung tâm UIA ở Đông Tác (Hà Nội), 2 lần tại nhà chị. Họ cho chị đeo chiếc kính đặc biệt để chị không nhìn thấy gì rồi vẽ nhiều hình vẽ ra giấy, chị nhìn vào và vẽ lại hình vẽ này. Khảo nghiệm thành công, chị được mời sang Nhật làm tiếp các khảo nghiệm khác. Trên bảng điện tử họ bấm vào đâu thị chị đi đúng vào đó.
Chị Thiêm cùng các nhà khoa học thử nghiệm việc bịt mắt vẫn đọc được sách.
Lần gần đây nhất năm 2009, chị sang Đức khảo nghiệm với nhiều hình thức khác nhau, nhưng đặc biệt họ thử phản ứng nhanh "con mắt thứ ba" của chị bằng cách chị bịt mắt chơi trò đập các con lật đật. Con nào nhô lên phải đập trúng con đó. Với những người không bị bịt mắt đập được 10 con thì chị dù bịt mắt cũng đập được 9 con. Khảo nghiệm nhắm mắt đi xe máy của chị đã hoàn toàn thuyết phục được người xem.
Năm 2009, Đài Truyền hình Hàn Quốc tiếp tục mời chị sang khảo nghiệm và họ vô cùng ngạc nhiên trước khả năng đó. Chị cũng được mời sang Pháp và tới đây sẽ xếp lịch để sang Mỹ làm các khảo nghiệm tiếp theo.
Tìm mộ liệt sĩ
Từ lúc được khai mở luân xa chị bắt đầu có khả năng đặc biệt, có thể giao tiếp với thế giới bên kia và ứng dụng để tìm mộ liệt sĩ. Năm 2008, chị đã giúp thượng tá công an Trần Kim Ngọc, Công an tỉnh Lào Cai tìm được mộ của bố.
Năm 1987, Công an tỉnh Thuận Hải (Bình Thuận) đã gửi công văn và ảnh mộ chí của bố ông Kim Ngọc thông báo cho biết, bố ông là Trần Kim Chiến, nguyên phó ty công an Hoàng Liên Sơn (cũ), hy sinh tại Thuận Hải năm 1967.
Tháng 7/2006, nhân kỷ niệm 59 năm ngày thương binh liệt sĩ, Công an tỉnh Lào Cai đã bố trí cho gia đình anh Ngọc một chuyến xe để vào Bình Thuận viếng bố và đặt vấn đề nhờ Ban giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận giúp làm thủ tục di chuyển mộ chí về yên nghỉ tại nghĩa trang tỉnh Lào Cai.
Ông Ngọc cho biết: "Trong khi gia đình tôi đang phấn khởi mong chờ từng ngày để được đón bố trở về với gia đình thì ngày 18/4/2007, Công an tỉnh Bình Thuận thông báo sự thật ngôi mộ bố tôi tại nghĩa trang tỉnh Bình Thuận chỉ là mộ tưởng niệm, không có hài cốt. Hài cốt của bố tôi bị thất lạc đến nay vẫn chưa tìm thấy. Tin này quá bàng hoàng và đau xót đối với tôi".
Sau khi nhận được công văn của Công an tỉnh Bình Thuận, Ban giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt vào Bình Thuận tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Trần Kim Chiến, làm công văn cho giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị cùng phối hợp giải quyết.
Trong đoàn đi tìm kiếm, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đã giới thiệu một số nhà ngoại cảm có uy tín để cùng tìm kiếm. Điều đặc biệt là công an huyện Bắc Bình đã tìm lại được 19 nhân chứng sống là bộ đội, du kích, công an hoạt động cùng địa bàn với liệt sĩ đã hy sinh, tổ chức hội thảo để xác định vị trí liệt sĩ hy sinh, giúp việc tìm kiếm nhanh và chính xác.
Sau hai tháng ròng rã đội mưa, đội nắng đào bới, khai quật hàng vạn mét vuông đất nhưng thật buồn, không một dấu tích nào cho thấy có mộ ông Trần Kim Chiến ở đó. Qua nhiều kênh thông tin khác, ông Ngọc biết được khả năng đặc biệt của chị Thiêm về áp vong tìm mộ. Nhiều ngày trời lặn lội, ông đã đến được nhà chị Thiêm ở Hòa Bình nhờ giúp đỡ.
Nga Thủy