26/6/10

Bọ xít hút máu người có cả ở Hà Nội

Theo các chuyên gia côn trùng học, bọ xít hút máu người có ở nhiều vùng trong đó có cả Hà Nội. Chúng thường sống ở giường, đệm tủ và hút máu truyền vi khuẩn gây bệnh vào ban đêm nhưng con người không hề biết.

Gây bệnh buồn ngủ và nghẽn mạch máu

Theo TS Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật), ở nước ta, các vùng hiện có nhiều bọ xít hút máu người là khu Tam Đảo, Ba Vì, Vĩnh Phúc. Ngoài ra, ở Hà Nội các vùng có bọ xít hút máu là: Nghĩa Đô (Cầu Giấy), dọc bờ sông Hồng...
Bọ xít hút máu

Bọ xít hút máu thuộc họ bọ xít ăn thịt sâu. Chúng sống bằng máu người và hút máu gia súc. Điều đặc biệt của bọ xít hút máu người là hút máu rất êm. Bởi khi đốt chúng sẽ truyền chất gây tê làm người bị đốt không có cảm giác gì.

Loài côn trùng này hút máu ngay cả khi là ấu trùng đến khi trưởng thành. Do tập tính thích bóng tối, chỗ ẩm thấp, nên chỗ sống của bọ xít hút máu là dưới đệm, chiếu hay ở khe giường hoặc tủ. Chúng sống im lặng, sinh sản với số lượng hạn chế và quần thể sống không đông.

Bệnh do bọ xít hút máu người truyền nhiễm sang người bị đốt đến nay Việt Nam chưa được khuyến nghị và thống kê. Tuy nhiên, có thể khẳng định bọ xít hút máu người khi đốt sẽ truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu. Người bệnh mất khả năng miễn dịch và thương mệt mỏi, buồn ngủ. Khi bệnh trở thành mạn tính sẽ dẫn đến tử vong do nghẽn mạch máu.

Phơi giường đệm, dùng đèn pin tìm bọ xít
Theo TS Trương Xuân Lam, bọ xít thường hút máu vào ban đêm, bằng giác quan chúng có thể đi trong đêm để đến con mồi có máu nóng, đặc biệt là người. Mỗi lần hút số lượng máu có thể bằng một đốt ngón tay.

PGS.TS Nguyễn Văn Châu (khoa Côn Trùng học, Viện Côn trùng và Ký sinh trùng T.Ư) cho biết, bọ xít hút máu có vòi cong, sắc tương tự ong hay muỗi. Cơ thể to và dẹt, có màu nâu. Loài này di chuyển chậm, chủ yếu là bò. Chúng chỉ sống một khu vực, nên nếu phát hiện bọ xít hút máu có trong phòng thì chúng chỉ sống trong phòng đó. Trừ khi số lượng quá đông, chúng sẽ theo ánh sáng chuyển sang phòng khác. Khi con người tìm thấy nó cũng không bay hay chạy mất mà chỉ nằm yên kể cả ban ngày hay đêm.
TS Lam cho PV xem những con bọ xít hút máu mà anh tìm được.

Có thể tìm kiếm loài bọ xít hút máu bằng cách vào ban đêm, tắt tất cả thiết bị điện và rọi bằng đèn pin tất cả các khe giường, tủ. Ngoài ra, nên chú ý đến trứng để diệt gốc. Trứng thường được đẻ và bám vào thành ngoài của giường tủ. Trứng to, chùm, màu trắng ngà nên dễ biết. Có thể diệt bằng cách thu lại cho vào túi và đốt đi hoặc giết tay.

Để tránh bọ xít hút máu, nhà cửa nên kê đồ đạc ít, thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ. Dù mùa đông hay hè cũng phơi đệm, quét khe giường thường xuyên tránh ẩm. Nếu phát hiện ra loài này ở trong nhà phải kiểm tra lại toàn bộ nhà cửa. Người bị bọ xít hút máu đốt có thể thường có triệu chứng buồn ngủ bất thường. Trên da có vết đốt bằng nửa đầu tăm màu đỏ, xung quanh bị thâm nhưng không sưng hay ngứa.
"Ở nước ngoài loài bọ xít hút máu được tuyên truyền và kiểm dịch kỹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có thống kê số lượng cũng như kiểm tra đánh giá cụ thể. Với chuyên ngành, tôi nhận thấy đây là loài cần được quan tâm khi đô thị hóa bởi chúng cũng hút máu và truyền bệnh".
TS Trương Xuân Lam
Thu Hiền
Disqus Comments