16/6/10

Argentina xôn xao tranh Chúa Giêsu chảy máu

Hàng nghìn người hành hương đã đổ về một nhà thờ nhỏ ở Argentina sau khi có tin máu chảy trên một bức tranh của Chúa Giêsu treo bên trong nhà thờ này. 
Vệt "máu" chảy trên má Chúa Giêsu.

Một vệt màu đỏ đã được nhìn thấy chảy từ vầng trán xuống má trái trên gương mặt của Chúa trong bức tranh mô tả “Bữa tiệc ly” - bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Ngài qua đời.

Vệt "máu" màu đỏ đã được hai người đàn ông tới thăm nhà thờ tại thị trấn Yerba Buena, tỉnh Tucuman thuộc miền đông bắc Argentina, nhìn thấy lần đầu tiên hôm thứ 6 tuần trước.

Hai vị khách đã thông báo sự việc với Cha Gandur, người đã lấy các mẫu “máu” để đưa đi xét nghiệm khoa học nhằm tìm hiểu xem đó là chất gì.

Sau khi báo chí địa phương đăng thông tin du khách nhìn thấy Chúa Giêsu khóc ra máu, các con phố xung quanh nhà thờ luôn chật cứng người tới tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ.
Rất đông người hiếu kỳ tới xem bức tranh lạ.

Hàng trăm người được cho là đã khóc và cầu nguyện tại ít nhất 2 con phố dẫn tới nhà thờ. Lượng người tới thăm trong ngày Chủ nhật đông tới nỗi các linh mục phải cử hành Thánh Lễ ngay trên phố bên ngoài nhà thờ.

Trước hiện tượng lượng người đổ về từ các tỉnh lân cận ngày càng đông, các quan chức của tòa giám mục Tucuman đã kêu gọi các tín đồ nên thận trọng và không vội vàng đưa ra các kết luận về hiện tượng lạ cho tới khi có kết luận khoa học chính xác.

“Nếu đây là máu của Chúa thì nó sẽ chảy liên tục. Còn nếu đó là máu của người trần thế thì nó sẽ biến mất”, Cha Gandur nói.

“Trên cương vị một linh mục, tôi không mong muốn tạo nên những hiện tượng không có thật. Tôi phản đối sự giả dối. Chuyện xảy ra ở đây sẽ được lý giải trong thời gian tới”.
Thị trấn Yerba Buena nằm ở phía đông bắc Argentina.

Nhà thờ Thiên chúa giáo La Mã luôn thận trọng với những khẳng định về các hiện tượng lạ vì đa phần các hiện tượng này sau đó được chứng minh là bịa đặt. Hàng trăm hiện tượng đã được thông báo xảy ra trong thế kỷ trước nhưng chỉ vài trong số đó là thật.

Toà thánh Vatican tin rằng hàng loạt câu chuyện tưởng tượng hay bịa đặt là ý đồ của những người xấu nhằm thu lợi tài chính.

5 năm trước, một bức tượng Thánh Padre Pio, người qua đời năm 1968, đã bị đồn là khóc ra máu tại một nhà thờ ở Marsicovetere, Italy. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra sau đó xác nhận đó là máu của một phụ nữ.
Ninh Nhi
Theo Anorak
Disqus Comments