Ông lão run rẩy dò dẫm chiếc gậy nhựa, lê đôi chân khập khiễng vào phòng xử án, nơi con trai út của ông đang phải đối đầu với tội danh giết người. Bất hạnh thay, nạn nhân cũng chính là đứa con ông dứt ruột sinh ra.
Đây đã là phiên tòa thứ 3 xét xử Lê Hoàng Thắng (40 tuổi). Những lần trước đó, cả gia đình ông và Thắng đều kêu oan, bác bỏ cáo trạng buộc tội của VKS vì cho rằng bị cáo không giết chết anh ruột của mình và những lời nhận tội của Thắng tại cơ quan điều tra là do bị ép buộc.
Bị cáo Thắng bị dẫn giải về trại giam. Ảnh: Vũ Mai. |
Tuy nhiên, ngày 21/1/2007, Thắng bị TAND TP HCM tuyên phạt 14 năm tù về tội “giết người” và kháng cáo kêu oan. Ngày 19/4/2008, xử phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM tuyên hủy bản án trên vì cho rằng “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không có cơ sở vững chắc để kết tội bị cáo”.
Thế nhưng, lần này, bản cáo trạng của cơ quan công tố về cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Thắng vẫn bị truy tố về hành vi giết chết anh ruột.
Theo VKS, tối 16/8/2005, Thắng và anh ruột của mình là Thành nhận giữ xe cho đám tang một người trong xóm. Khuya hôm đó, gia chủ thết đãi mọi người bữa rượu thịt. Nhậu được một lúc, Thắng say nên về trước và được cha là ông Sáng mở cửa, cùng ngủ với vợ chồng ông ngay dưới sàn nhà.
Nửa tiếng sau, anh Thành cũng về nhà gọi cửa nhưng rất lâu sau Thắng mới ra mở. Tức giận vì phải chờ, anh Thành chửi mắng em trai. Xô xát xảy ra, Thắng bị anh đẩy vào cửa sắt làm trầy da trán nên đã lấy cây tuốc-nơ-vít đâm trúng vai và đẩy anh trai vào bức tường rồi đi ngủ tiếp.
Ngay sau đó, hàng xóm phát hiện anh Thành nằm bất tỉnh trên vũng máu nên đã gọi cửa, cùng mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu. Sau khi băng bó vết thương, anh Thành được mọi người chở về nhà nhưng đến 10 giờ sáng hôm sau thì chết.
Bản cáo trạng vừa được công bố xong, ông Sáng dựa hẳn người vào thành ghế thở mệt nhọc. Bên cạnh, vợ ông và người thân cũng tỏ rõ nỗi thất vọng, gương mặt bần thần và thở dài xót xa.
Trên vành móng ngựa, với vẻ mặt dúm dó, Thắng khổ sở trình bày: “Tôi đã nói biết bao lần, hôm đó tôi xỉn quá nên từ lúc đám ma về đã ngủ luôn cho đến khi cha đá vào chân, đánh thức dậy xem anh Thành máu me tùm lum. Sau đó cùng mọi người đưa anh ấy vào bệnh viện cấp cứu. Tôi không biết anh Thành bị đâm lúc nào. Từ lúc anh ấy chết, tôi bị mời lên công an, bị buộc tội giết người và giam cho đến bây giờ. Tôi không giết anh mình”.
“Tại cơ quan điều tra, lúc đầu bị cáo khai nhận đã cầm tuốc-nơ-vít đâm anh Thành nhưng sau đó khai là dùng dao. Sao đến khi ra tòa bị cáo lại chối tội?”, vị chủ tọa cất tiếng hỏi.
“Người ta đã bắt tôi phải khai như thế…”, Thắng ngước đôi mắt thâm quầng về phía những người xét xử như tìm kiếm một sự cảm thông.
Được mời lên thẩm vấn, ông Sáng lọ mọ đến gần HĐXX, khẳng định chắc nịch chính ông đã mở cửa cho Thắng vào nhà và giữ luôn chìa khóa. Đến khi nghe tiếng hàng xóm gọi cửa, cũng là ông ra mở và phát hiện anh Thành bị thương. Lúc đó, ông mới gọi Thắng và mọi người thức dậy đưa con trai lớn đi cấp cứu.
“Hai vợ chồng tôi cùng nằm ngủ với Thắng dưới sàn nhà. Nếu có việc anh nó gọi cửa, chẳng lẽ vợ chồng tôi không nghe thấy lại để một thằng say rượu như nó phải tỉnh dậy trước hay sao? Nếu có việc anh em nó đánh nhau, chẳng lẽ chúng tôi lại không biết?”. Ông lão lớn tiếng phân minh, vành tai liên tục co giật.
Vợ nạn nhân cũng cho biết, đêm xảy ra án mạng, chị và con trai ngủ ở tầng 1, hoàn toàn không nghe thấy bất kỳ tiếng chửi mắng, va chạm nào. “Chỉ đến khi cha mẹ chồng la lớn là anh Thành bị thương, tôi và con mới chạy xuống đưa anh ấy đi bệnh viện. Lúc tỉnh lại anh ấy cũng không than vãn điều gì”, chị này nói.
Sau khi lấy thêm lời khai của một số người khác, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ hội ý.
Người cha già lầm lũi ở một khúc quanh của tòa. |
Lấy sức vịn thành ghế, ông Sáng lập cập rời phòng xử theo yêu cầu của lực lượng an ninh mà ánh mắt xót xa vẫn dán chặt vào Thắng. Chỉ đi được vài bước, ông ngồi phịch xuống hành lang, thở dốc. Lần dở từng trang giấy của bản án phúc thẩm lần trước, ông nói rằng gia đình mình đã từng hy vọng rất nhiều vào quyết định của TAND Tối cao khi yêu cầu VKS điều tra lại một số chứng cứ phạm tội của Thắng. Nhưng với cáo trạng buộc tội con ông ở phiên xử này, những vấn đề đó vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Theo bản án phúc thẩm, hồ sơ cho thấy Thắng nhận tội giết anh, “nhưng lời khai này không bình thường”. Bỏ qua hàng loạt các vi phạm tố tụng, cơ quan chức năng xác định hung thủ đâm chết anh trai bằng cây tuốc-nơ-vít có mũi dài 12 cm, trong khi vết thương của nạn nhân sâu tới 16 cm, là điều không thể.
Mặt khác, đêm xảy ra án mạng, bị cáo say rượu và cùng nằm ngủ với cha mẹ tại phòng khách phía trước nhà. Theo lẽ thường, người xỉn phải ngủ say hơn, nếu anh Thành gọi cửa thì chắc chắn vợ chồng ông Sáng sẽ là người tỉnh giấc. “Thậm chí anh Thành vào nhà cự cãi, đánh nhau với bị cáo ngay tại chỗ cha mẹ ngủ mà họ không hề hay biết là điều vô lý”, bản án phúc thẩm nêu.
“Một đứa con phải chết, một đứa bị đi tù, bi kịch xảy ra với gia đình tôi hơn 4 năm trước nhưng đến giờ vẫn chưa thể kết thúc. Tôi cam đoan Thắng không phải là người giết anh nó, nếu có việc đó tôi đã chết luôn vào cái đêm đó rồi. Tôi thương đứa con chết đi bao nhiêu thì đau cho đứa con phải chịu tù oan này bấy nhiêu”. Ông già cất giọng thều thào, chua xót.
Thời gian chầm chậm trôi, rồi HĐXX cũng quay lại làm việc nhưng chỉ để thông báo hoãn phiên tòa vì cần làm sáng tỏ thêm một số tình tiết.
Nhìn con bị dẫn giải đi, một thoáng rạng ngời lướt nhanh qua đôi mắt mờ đục của ông lão. Như chợt nhớ ra điều gì, ông tất tả vơ lấy gậy, bước thấp bước cao đuổi theo con nhưng bóng anh này đã khuất sau chiếc xe tù xám xịt. “Biết cha còn sống đến phiên tòa sau không con ơi…”