ảnh minh họa
Lão nheo mắt nhìn theo vệt nắng cuối ngày. Ánh sáng loang mờ trước mắt, rồi lịm dần, lịm dần. Trời chạng vạng. Tiếng ễnh ương rền rền lẫn trong cây, trong đá thi thoảng vang lên. Lão đứng phắt dậy, chui vội vào túp lều, vụng về nhóm bếp. Vài sợi khói len nhè nhẹ, tỏa mong manh. Sự ấm áp đơn điệu ấy vẫn không thể xoá tan cái hiu hắt của buổi chiều tàn, càng không thể xoa đi nỗi hiu hắt trong lòng lão. Mắt lão khẽ chớp lia lịa...
Túp lều nằm lọt thỏm giữa bốn bên rừng núi. Ngày lão về sống luôn ở quê, mẹ lão mừng rưng rưng, gom góp vài đồng tiền dành dụm bấy lâu dựng cho lão túp lều. Hơn 40 năm của đời người, về với mẹ, lòng lão như đứa trẻ lỗi lầm thèm mong mẹ tha thứ. Nhìn dáng mẹ gầy còm,đôi mắt lem nhem âu yếm nhìn mình, lão tưởng như vừa mới đi qua cơn say, bất chợt tỉnh dậy thấy miệng đắng nghét, lòng quá đỗi chông chênh.
Chú Tư ơi! Ngủ chưa chú?
Giọng thằng Phi, con mụ Miên ở cạnh nhà mẹ lão, làm đứt ngang những suy nghĩ miên man.
Có chuyện gì không?
Lão vén tầm màn nói vọng ra mà không buồn đứng dậy. Thiệt tình lão không ưa lắm mẹ con thằng Phi. Lão ghét tiếng trẻ con, càng ghét cay ghét đắng những loại đàn bà như mụ Miên với lão. Nghe đâu mụ góa chồng bốn, năm năm gì đó. Ngày lão mới đặt chân vào nhà, mẹ lão đã cố tình kể nhiều chuyện về mụ Miên cho lão nghe, nào là: "Tội con Miên, cưới nhau được mặt con thì chồng chết. Chồng nó đi đãi vàng, bị sập hầm, chết mấy năm rồi mà vẫn chưa tìm được xác, mà hình như người ta lấp luôn cái hầm đó rồi. Khổ thằng Phi, mới mấy tuổi đầu đã mồ côi cha..."
Lão chưa kịp hỏi câu thứ hai, giọng thằng Phi lại vang lên:
Chú Tư, mẹ con đúc bánh xèo, hai mẹ con con đem vô mấy cái cho chú.
Nghe đến "hai mẹ con con" lão thấy bực kinh khủng. Lão đi ra cửa, thằng Phi đứng nép bên mụ Miên, còn mụ khúm núm dưới lùm chuối. Lão chưa kịp nói năng gì, mụ Miên lí nhí:
Anh Tư,lúa mới nên làm bánh thơm ngon lắm. Anh cầm lấy cho thằng Phi nó mừng.
Tự dưng cổ họng lão bị chặn lại. Nghĩ mãi không nặn ra được chữ nào để la, để chửi. Lòng lão còn nóng bừng bừng, mặc dù biết rõ họ chả có tội tình gì. Lão thấy khó chịu. Cái khó chịu của gã đàn ông đã quen với cảnh cô đơn, nay bỗng có người quan tâm đến. Thằng Phi dúi vào tay lão bịch ni-lông đựng bánh nóng hôi hổi.
Thôi tối rồi cô dẫn cháu về đi. Bữa sau đừng làm tôi khó xử nữa. Tôi không đến nỗi đói đâu...
Biết câu nói sau là không phải, vậy mà lão vẫn nói. Tệ thật. Ánh mắt thằng Phi nhìn lão ươn ướt, còn mẹ nó nhìn lão một cái rõ lâu rồi mới quay ngoắt đi. Mặc kệ.
Lão gác tay lên trán. Âm thanh của rừng càng về khuya càng mơ hồ. Nghe như vừa xa vừa gần, vừa rõ mồn một vừa rin rít những thanh âm không tên. Mắt nhắm nghiền. Lão thấy khúc sông đục ngầu thấp thoáng bóng người khom mình hì hục đãi đãi sàng sàng. Những cái hầm đãi vàng sâu hoắm, tối om. Rồi hình ảnh ông Hai Tham quát tháo một người đàn ông nhem nhuốc vừa ngóc đầu lên khỏi miệng hầm.
Đột nhiên lão thấy sống lưng rờn rợn. Một bàn tay sần sùi nắm lấy tay lão ấn mạnh xuống đất, bàn tay kia sờ soạng khắp người lão kèm theo tiếng thì thào: "Yên nào, yên nào...". Lão chưa kịp phản ứng thì từng ngón tay chuyển động vừa mơn trớn vừa thôi thúc dần dần về phía bụng, rồi luồn hẳn xuống phía dưới rốn lão. Lão định nhắm mắt nhưng không hiểu sao lại giơ tay chụp bàn tay đang háo hức kia. Lão giật mình, mở choàng mắt. Mồ hôi nhễ nhại, người lão dính chặt vào tấm chiếu.
Ngày từ miền Nam trở về, mẹ lão chưa kịp mừng, lão lại đi tiếp. Ngày ấy, K.Đ, vùng đất lão đặt chân đến, vốn khét tiếng là nơi rừng thiêng nước độc, nơi người ta đối xử với nhau bằng luật rừng.
Lão không thuộc týp người to cao, đẹp trai, nhưng được cái thân hình săn chắc, cân đối và đậm vẻ phong trần. Lão lọt vào tầm mắt của nhiều chị em xa chồng mưu sinh và tất nhiên không thoát khỏi ánh mắt thòm thèm của Hai Tham. Gã là ông trùm vùng này. Trông bề ngoài rất nam tính, vậy mà gã đã bỏ người vợ phòng không chiếc bóng hơn mười năm ở quê. Ác cái gã không đồng ý ly dị vợ dù vợ nằng nặc đệ đơn mấy lần, chắc để che đậy cái vốn "không đàn ông" của gã. Ban ngày gã vẫn ve vãn mấy bà, mấy cô nhưng ban đêm lại trở thành con người khác.
Lão gặp Hai Tham lần đầu ở khúc sông đầu nguồn. Là lính mới nên lão chỉ được phép đãi vàng tại những nơi người ta đãi đi đãi lại mấy đợt. Trời nắng, lại phải ngâm mình dưới dòng nước lợn cợn khiến lão thấy bức bối. Lão cởi phăng cái áo, mặc độc cái quần đùi.
Mày thuộc quân thằng nào?
Ông Hai Tham vừa hỏi vừa nhìn chằm chằm vào người lão đến nỗi lão phát ngượng.
Quân Sáu Ngón.
Mai bỏ thằng Sáu Ngón. Qua làm bên tao, tao trả lương hậu hĩnh hơn.
Mắt Hai Tham sòng sọc nhìn lão. Lão chưa kịp trả lời, Hai Tham đã sấn tới đặt đôi bàn tay thô ráp lên vai lão, rồi từ từ vuốt xuống sống lưng, kèm theo lời thì thầm: "Đi nghe cưng". Theo phản xạ, lão hất một cái thiệt mạnh.
Cút đi.
Lão hét lớn đến nỗi mọi người xung quanh giật mình. Hốt hoảng, họ vội chạy lại vừa đỡ ông Hai Tham vừa xuýt xoa. Ông Hai Tham làm bộ mặt như không có chuyện gì xảy ra. Miệng hênh hếch cười:
Chú em giỏi lắm.
Mấy đêm sau, lão không tài nào chợp mắt. Lão bắt đầu thấy lo sợ. Mấy người cùng làm khuyên lão nên trốn về. Có ai thoát khỏi tay gã già đó đâu. Không bị đánh nhừ tử cũng bị chết ngạt dưới hầm nếu lỡ làm gã phật lòng. Lão tưởng tượng bao nhiêu kiểu trừng phạt sẽ đến với mình, kiểu nào cũng kinh khủng.
Cuối cùng, sự trừng phạt ấy cũng đến, nhưng nó không hề có trong danh sách tưởng tượng của lão. Một sự trừng phạt còn ghê tởm hơn mọi sự trừng phạt trên đời.
Đêm đó, lão trực ở bãi vàng. Khi trăng đã treo ngoài mé rừng, đang thiu thiu ngủ trong túp lều dựng tạm bằng ni-lông, lão lại nghe cái giọng thì thầm từng làm mình lợm giọng và nơi cơn tam bành hôm bữa.
Chú em tuyệt lắm!
Buông tôi ra.
Yên nào. Muốn giàu sang, có quyền lực hay muốn ra về tay không hả? Chỉ cần mày chiều tao đêm nay, ngày mai đảm bảo mày khỏi phải nằm trơ trọi ngoài túp lều này.
Trong phút chốc, lão thấy người yếu hẳn, như thể chẳng còn sức lực nào dưới những cơn liếm láp vô tội và của gã Hai Tham. Lão nhắm nghiền mắt. Vàng tấm lấp lánh đặc quánh cả một khúc sông hiện ra trước mắt lão. Cái sàng thường ngày vớt lên toàn cát với đất, giờ oằn xuống vì những hạt vàng nặng trịch.
Lão thấy mình đang đi mua sắm nơi sầm uất nhất trị trấn, cô bán hàng săn đón: "Anh ơi! Mua quà tặng bạn gái, tặng mẹ đi anh". Lão dừng lại, cẩn thận kiểm tra từng đường kim mũi chỉ của chiếc áo. Quê lão sắp vào mùa mưa bão, chỉ nghĩ đến cảnh mẹ khoác chiếc áo lạnh lên người, lòng lão đã thấy ấm áp vô cùng...
Rồi lão thấy đám con nít trong xóm ùa ra đầu đường tíu tít ôm quanh người lão vòi kẹo. Thấp thoáng sau đám mía cao gần bằng nửa đầu người, mẹ lão cười thật hiền, âu yếm nhìn lão...Mọi cảnh vật cứ nhòe đi, nhòe đi dưới ánh trăng muộn của một đêm sắp tàn.
Trời sáng. Miệng đắng chát. Lòng rống tuếch. Lão nằm lì trong lều mặc cho mọi người í ới gọi.
Anh Tư bệnh à? Có cần tui mua thuốc không?
Tiếng cô Nga cùng đội hỏi đi hỏi lại làm lão phát bực. Lão vẫn nằm im.
Ê, cô Nga, cô coi ảnh còn thở không? Hay là đêm qua bị gã Hai Tham mần thịt rồi...
"Bốp, bốp...". Thằng Téo nói chưa dứt câu đã phải chịu hai cú đấm như trời giáng của lão. Mọi người chạy túa lại. Lão gạt phăng, lững thững bước đi, không nói một lời.
Nhìn sắc mặt đằng đằng sát khí của lão, Hai Tham run rẩy dù đàn em đứng xung quanh.
Có chuyện gì không? Từ từ rồi nói chuyện.
Tui muốn làm cho ông.
Lão vừa trả lời vừa nhìn trừng trừng Hai Tham.
Lão trở thành trợ lý đắc lực của Hai Tham trong tất cả mọi chuyện, tất nhiên cả "chuyện ấy". Nhiều người chép miệng tỏ ra thương hại lão, làm tay sai cho Hai Tham, trước sau gì cũng thân tàn ma dại...
Chú em, ngày mai anh muốn chú đến trại thằng Chữ cho tụi nó một bài học.
Vừa nói Hai Tham vừa quăng cho lão một bọc nặng trịch. Lão cúi xuống lấy và quay đi, không nói một lời.
Trại thằng Chữ nằm heo hút tựa vào ngọn đồi. Nghe nói năm ngoái, không ít người đã bị chôn vùi dưới hầm đất vì đất đá lở đột ngột. Biết đâu dưới chân lão đang đứng là một ngôi mộ tập thể cũng nên. Lão còn nghe đồn vào những đêm rằm, tiếng kêu cứu thảm thiết thỉnh thoảng vang lên từ những cái hầm bị lấp. Lão thoáng rùng mình. Tháng đầu mới lên, lão thường xuyên mất ngủ, câu chuyện về những cái chết tang thương cứ ám ảnh lão trong từng giấc mơ. Có dạo lão suýt bỏ về vì không chịu nổi trước cái chết kinh khủng của thằng Vinh làm cùng đội.
Sau đó, thằng Vinh nói với lão là đi gài bẫy chồn, vậy mà tối thui vẫn không thấy về. Hốt hoảng, lão vội báo cho mọi người, ai cũng cười bảo: "Chắc thằng này thèm gái, ra ngoài hú hí rồi chứ gì. Sáng nó lại mò về cho xem".
Trời sáng, bóng dáng thằng Vinh vẫn biệt tăm. Linh cảm điều không may, lão rủ thêm vài người vác rựa đi tìm. Mọi người gọi vang cả khu rừng, nhưng không có tiếng đáp trả. Bỗng chú ba trong đội la toáng lên: "Mọi người ơi, có phải là dép thằng Vinh không?". Đúng là dép nó rồi, tim lão đập thình thịch. Cả người lão như thắt lại khi mọi người phát hiện cách đôi dép chưa đầy một bước, một miệng hầm bị phủ đầy cây cối hiện ra. "Thằng Vinh bị sụp hầm rồi", tiếng chú Ba đứt quãng.
Miệng hầm chỉ đủ một người xuống. Sợi dây thừng buộc ngang qua lưng chú Ba, và một bình o-xy được mang theo. Nhưng khổ nỗi, vừa xuống chưa được nửa hầm, chú Ba đã ra hiệu mọi người kéo lên. Bốn, năm lần xuống rồi lên. Hết người này đến người kia thay thế, nhưng không một ai vượt qua được nửa chặng hầm. "Mới nửa chặng hầm đã không thở nổi rồi". Mọi người nhìn nhau bất lực. "Đành lấp miệng hầm, làm mộ cho thằng Vinh thôi", giọng chú Ba nghẹn lại. Lão bật khóc ngon lành. Lão khóc cho giấc mơ đổi đời của những phận nghèo như Vinh, như lão.
Anh Tư có chuyện gì không ạ?
Thấy lão trầm ngâm khá lâu, mấy thằng đi theo khúm núm hỏi.
Mày vô gọi thằng Hai Chữ, nói có Tư Long gặp.
Đi dằn mặt kiểu xã hội đen như vầy, đối với lão, dễ như trở bàn tay.
Dạ, anh Tư kêu thằng em này ra có chuyện gì dạy bảo không ạ?
Lão nhếch miệng:
Không ngờ Hai Chữ nổi như cồn lại có gan thỏ đế sao? Ngày mai, đừng để tao thấy mặt tui bay ở địa bàn này nữa.
Giọng lão đột nhiên đanh lại. Thằng Hai Chữ và đàn em tỏ ra sợ hãi, gật đầu lia lịa. Khi bóng lão vừa khuất, Hai Chữ nhếch mép cười.
Đêm không trăng. Rừng ngủ sâu trong màn đêm đen kịt. Lão lại vượt sông. Lòng lão không thôi nghĩ ngợi, chỉ cần chuyến hàng tối nay trót lọt, đời lão sẽ lên tiên. Nào ngờ, đó là chuyến hàng cuối cùng. Lúc hai bên chuẩn bị trao đổi hàng, kiểm lâm ập tới. Lão lờ mờ nhận ra thằng Hai Chữ đứng khuất trong lùm cây xa xa.
Hơn một năm ngồi bóc lịch trong nhà đá, giấc mơ về những mỏ vàng không thôi ám ảnh lão. Lão chờ ngày ra tù, chờ ngày về với rừng.
Tôi muốn làm cho ông.
Phải đợi lão nhắc đi nhắc lại, Hai Tham mới mở đôi mắt lờ đờ vừa mới phê thuốc nhìn lão.
Tôi không đủ tiền, đủ sức thuê anh nữa. Anh cũng lì thật. Tôi tưởng anh bỏ nơi này rồi chứ.
Ông...
Lão chưa nói hết câu, Hai Tham đã gạt phắt.
Đừng có dùng vũ lực ở đây. Anh phải hiểu, không có tôi, anh chỉ là thằng quèn mót đá ngoài rìa sông mà thôi.
Giọng nói rin rít của gã Hai Tham vừa dứt, bọn đàn em của gã đã xúm lại túm áo lão.
Lão thất thểu ra ngoài mé sông, bỗng thằng Tèo và chú Ba ở đâu chạy tới.
Ê, anh Tư, về làm với tụi này đi. Chúng tôi đang cần người. Nếu anh không chê...
Lão về vị trí như ngày xưa. Lão quyết tâm đãi vàng từ chính đôi tay của mình. Từng đêm lão lại nuôi giấc mơ, những giấc mơ có cái kết thật đẹp.
Anh Tư ơi, hình như chú Ba lên cơn sốt rét. Thuốc hết rồi, chắc phải qua bên kia sông mua.
Trưa hôm đó, lão và thằng Tèo vượt sông. Mọi người ái ngại, mùa này nước lũ trên nguồn về bất thình lình lắm. Tay bơi cự phách cũng phải bó tay trước dòng chảy lồng lộn của nước nguồn, người ta gọi đó là cơn thịnh nộ của thần linh.
Bao nhiêu lần vượt sông, vậy mà lần này lão cứ đưa chân chạm nước rồi rụt lên.
Tèo, mày về đi, để mình tao đi thôi.
Không đã ra đến đây thì hai anh em cùng đi. Nếu anh không yên tâm, mình thuê hai con trâu.
Trưa nắng như đổ lửa. Cưỡi trên lưng trâu, lão nghe hơi nước hừng hực bốc lên.
Anh Tư, anh định hồi nào về quê?
Hồi nào được thỏi vàng khổng lồ.
Thằng Tèo bỗng cười thật to. Lão cười theo. Chưa bao giờ lão thấy mình sảng khoái như thế. Nhìn dáng nhỏ thó của thằng Tèo, lão nhớ đến mấy đứa nhỏ trong xóm chiều chiều hay cưỡi trâu tắm trên dòng sông Rù Rì. Lòng lão phút chốc bình yên đến lạ.
Anh Tư, anh có nghe gì không?
Lão chưa kịp định thần thì một cơn rung chuyển ầm ầm ập đến.
Xác thằng Tèo được tìm thấy sau năm ngày ròng rã tìm kiếm. Lão không khóc rưng rức như ngày thằng Vinh bị sụp hầm. Lão thấy người mình như đang chết dần, chết mòn. Giấc ngủ của lão không còn chập chờn những mỏ vàng lóng lánh nữa, thay vào đó là nụ cười của thằng Téo và câu hỏi: "Anh Tư, anh định hồi nào về quê?" cứ bám riết lão.
Lão khăn gói về, lặng lẽ và tay trắng.
Anh Tư, hình như anh ghét tôi lắm.
Mụ Miên vừa bào sắn vừa nhìn lão thăm dò.
Có chuyện gì cô cứ nói. Lão đáp nhát gừng.
Chắc anh hiểu lầm tôi. Mấy lần gặp anh tôi muốn hỏi, nhưng sợ phiền. Số là tôi nghe bà bảo anh mới từ bãi vàng K.Đ về, ba thằng Phi nghe nói cũng làm trên đó. Tôi...tôi muốn hỏi đường lên đó một chuyến.
Cái gì? Lão trợn mắt nhìn mụ Miên.
Tôi muốn tìm mộ anh ấy. Nói đến đây giọng mụ nghẹn lại, nước mắt chảy ròng ròng.
"Tìm mộ à?". Nghĩ đến những cái hầm chôn vùi bao nhiêu là xác người, lão cười cho ý nghĩ điên rồ của mụ Miên. Nhưng lão không nỡ cắt đứt tia hy vọng mỏng manh ấy, cũng không muốn nỗi đau lại đến với mụ một lần nữa.
"Được rồi. Cô nín đi. Nếu có dịp lên đó, tôi sẽ tìm hộ cô". Lão buột miệng hứa mà không suy nghĩ. "Mai nói thăng Phi vào nhà tôi lấy cái lồng chim về. Tôi đan xong rồi".
Mụ Miên luýnh quýnh đứng lên, miệng mấp máy. Chồng mụ cũng như bao người đàn ông khác dã dành hơn nửa đời người để đeo đuổi giấc mơ về những mỏ vàng. Nhưng vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy những giấc mơ ấy đã dần biến họ thành những cái bóng vật vờ. Cứ thế, người ra đi thì nuôi giấc mơ về vàng, người ở nhà thì bị ám ảnh bởi những căn bệnh, thiên tai, những tệ nạn. Dù hay tin chồng chết nhưng mụ Miên vẫn hy vọng một ngày nào đó, chồng sẽ trở về.
Không hiểu sao từ dạo mụ Miên bộc bạch nỗi niềm, lão thấy mình nên bù đắp sự mất mát cho hai mẹ con mụ. Ít ra lão đã rất may mắn, may mắn hơn chồng mụ Miên, thằng Vinh, thằng Tèo. Lão may mắn vì còn sống như một con người.
Mụ Miên đứng khép nép bên lão cầu nguyện. Những đứa trẻ tung tăng cắp sách tới trường. Đàn bò đủng đỉnh gặp cỏ trong ánh ban mai. Cuộc sống yên bình hiện ra.
Tỉnh dậy. Lão mới biết mình vừa trải qua một giấc mơ dài. Đó có lẽ là giấc mơ đẹp nhất trong đời lão, một "giấc mơ vàng" thật sự.